Chứa ít calo nhưng giàu chất dinh dưỡng, hương vị nhẹ nhàng, tươi mát, loại rau này từ lâu đã rất quen thuộc với người Việt, cả dùng để ăn sống hay nấu chín.
Giá đỗ là một nguyên liệu giòn, ngon miệng được sử dụng trong mọi món ăn, từ món salad, ăn cùng với các món nước… đến được sử dụng làm nguyên liệu chính cho món xào. Chúng có lượng calo thấp và có hương vị nhẹ nhàng, tươi mát. Mặc dù có thể sử dụng nhiều loại đậu khác nhau để trồng giá đỗ, nhưng những loại được tiêu thụ phổ biến nhất là đậu xanh và đậu nành.
Bạn có thể mua giá đỗ ở hầu hết các khu chợ Việt, thậm chí nhiều người còn tự trồng tại nhà trong những chiếc hộp nhỏ có sẵn. Chúng phát triển dễ dàng từ hạt giống, miễn là bạn có hộp kín và nơi an toàn để tránh ánh sáng. Với việc tưới nước hàng đêm, chúng sẽ bắt đầu phát triển sau hai hoặc ba ngày.
Cho dù bạn mua hay trồng chúng, giá đỗ đều mang lại nguồn dinh dưỡng dồi dào cho sức khỏe.
Lợi ích sức khỏe của giá đỗ
Giá đỗ rất tốt cho sức khỏe về nhiều mặt, từ hàm lượng vitamin C cao đến protein và chất xơ giúp chúng có độ giòn đặc biệt. Dưới đây là một số lợi ích bạn có thể nhận được bằng cách thêm giá đỗ vào chế độ ăn uống của mình.
Hỗ trợ huyết áp
Giá đỗ có thể giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh cao huyết áp nhờ các khối xây dựng protein gọi là peptide. Peptide được sản xuất với nồng độ cao khi hạt nảy mầm. Chúng đã được chứng minh là làm giảm huyết áp trong một số nghiên cứu.
Ngăn ngừa ung thư
Các protein và peptide trong giá đỗ cũng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những chất dinh dưỡng này có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, bao gồm cả những tế bào liên quan đến ung thư vú, bệnh bạch cầu và ung thư hệ tiêu hóa.
Sức khỏe tiêu hóa
Giá đỗ là nguồn cung cấp chất xơ không hòa tan, giúp hỗ trợ tiêu hóa. Nó di chuyển nhanh chóng qua hệ thống tiêu hóa, nhặt và mang theo các chất thải khi đi qua. Chất xơ giúp “làm sạch” ruột kết. Nó hoạt động gần giống như một bàn chải chà bên trong. Có đủ chất xơ không hòa tan trong chế độ ăn uống của bạn là điều quan trọng để ngăn ngừa táo bón.
Sức khỏe của mắt
Vì giá đỗ có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nên chúng có thể giúp bảo vệ bạn khỏi phát triển các bệnh về mắt thông thường, bao gồm thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD). AMD là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người lớn trên 55 tuổi. Chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ phát triển AMD.
Giá đỗ cũng chứa nhiều vitamin C, có thể giúp ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể. Các nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ lượng vitamin C cao trong 10 năm trở lên sẽ giảm nguy cơ phải phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Sức khỏe tim mạch
Giá đỗ có thể giúp cải thiện sức khỏe tim tổng thể của bạn bằng cách cân bằng cholesterol. Các nghiên cứu cho thấy rau mầm có thể giúp giảm cholesterol LDL “xấu” , nguyên nhân gây ra sự tích tụ mảng bám làm tắc nghẽn động mạch. Giá đỗ cũng có thể làm tăng mức cholesterol HDL “tốt”, giúp loại bỏ chất béo tích tụ trong máu.
Bằng chứng cũng cho thấy rằng rau mầm có thể làm giảm một loại mỡ trong máu khác được gọi là chất béo trung tính. Triglyceride có thể gây ra bệnh tim nếu chúng tích tụ ở nồng độ đủ cao.
Lưu ý khi ăn giá đỗ
Rau mầm là nguồn gốc của nhiều đợt bùng phát bệnh do thực phẩm. Hạt và cây thường chứa các vi khuẩn có hại như E. coli, Listeria và Salmonella. Điều kiện ấm áp, ẩm ướt cần thiết cho quá trình nảy mầm cũng là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng. Trồng giá đỗ tại nhà cũng không giúp chúng an toàn hơn. Những người có nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm cao hơn nên tránh ăn giá đỗ sống bao gồm: trẻ em và người lớn tuổi; người mang thai; bất cứ ai có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Một số cách để giảm nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm bao gồm:
– Chỉ mua giá đỗ đã được bảo quản lạnh đúng cách.
– Đừng ăn những loại rau mầm, trong đó có giá đỗ có vẻ nhầy nhụa hoặc có mùi mốc.
– Rửa kỹ bằng nước.
– Rửa tay và bất cứ thứ gì chạm vào giá đỗ để tránh lây nhiễm chéo.
– Nấu giá đỗ để diệt vi khuẩn.
Nguồn và ảnh: WebMD, VeryWell Health