Home Giải mã chất dinh dưỡng Trứng xào, rán, luộc, ăn kiểu gì sẽ bổ dưỡng hơn? Chuyên gia gợi ý cách ăn tốt nhất

Trứng xào, rán, luộc, ăn kiểu gì sẽ bổ dưỡng hơn? Chuyên gia gợi ý cách ăn tốt nhất

by cataiphat
Trứng xào, rán, luộc, ăn kiểu gì sẽ bổ dưỡng hơn? Chuyên gia gợi ý cách ăn tốt nhất - Ảnh 1.


Trứng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tuy nhiên khi chế biến cũng cần phải có những lưu ý nhất định để đảm bảo giữ nguyên vẹn được dưỡng chất.

Ăn trứng luộc sẽ giữ được nhiều chất dinh dưỡng

Trứng là một thực phẩm cực dễ mua với giá thành khá hợp lý. Nhiều gia đình thường có thói quen tích trữ trứng gà, vịt trong nhà để ăn dần. Để ăn trứng tốt nhất cho sức khoẻ, dưới đây là những tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.

Theo ThS.BS Dozãn Thị Tường Vi, Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, trứng là thực phẩm cân bằng về mặt dinh dưỡng và tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, cách chế biến trứng sẽ quyết định giữ lại các giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm này.

Trong 100 gam trứng gà toàn phần có: 14,8 g chất đạm; 11,6 g chất béo; 55 mg can xi; 2,70 mg sắt; 47 µg folat; 210 mg phospho; 1.29 µg vitamin B12; 700 µg vitaminA; 470 mg cholesterol… và nhiều khoáng chất khác.

Vị chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trong các cách chế biến trứng như xào, rán, luộc thì luộc sẽ đảm bảo giữ được các chất dinh dưỡng tốt hơn. Khi làm trứng rán hay trứng xào ở nhiệt độ cao sẽ làm thay đổi bản chất thành phần các chất dinh dưỡng. Ví dụ chất đạm, chất béo có thể bị biến tính, còn vitamin sẽ bị giảm do tác động của nhiệt.

Trứng xào, rán, luộc, ăn kiểu gì sẽ bổ dưỡng hơn? Chuyên gia gợi ý cách ăn tốt nhất - Ảnh 1.

Nhiệt độ sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng có trong trứng. (Nguồn ảnh: Shutterstock)

Ngoài lưu ý về vấn đề chế biến, bác sĩ Vi cũng cho biết khi mua trứng tại chợ hoặc trứng gia cầm của gia đình, cần phải lưu ý rửa thật sạch trước khi chế biến (rán, xào, luộc, ốp…). Do trên bề mặt vỏ trứng có những lỗ khí nên các vi khuẩn, virus, bụi, nấm mốc có thể thẩm thấu vào bên trong quả trứng, gây hại cho cơ thể.

Ngoài ra, cần lưu ý nên ăn trứng khi đã chín, không nên ăn trứng chần, trứng sống vì 2 loại trứng này có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus cao, gây hại cho sức khỏe.

Liên quan tới việc tích luỹ trứng, bác sĩ Tường Vi tư vấn trứng gà sau khi mua về rửa sạch để ráo nước mới cất vào tủ. Nếu không rửa sạch trứng trước khi cho vào tủ lạnh sẽ biến tủ lạnh thành ổ vi khuẩn lây nhiễm cho các thực phẩm khác do phân gà, vịt bám trên vỏ trứng có rất nhiều vi khuẩn gây độc cho cơ thể. Có thể bảo quản trứng trong tủ lạnh khoảng 4 tuần. Không nên để trứng trong tủ quá lâu vì trứng sẽ hỏng và biến chất.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, trứng có giá trị dinh dưỡng cao và có đủ các thành phần như chất đạm, chất béo, canxi, sắt, kẽm, selen, vitamin B12, vitamin D, các acid béo no, acid béo không no, cholesterol,…

Lòng đỏ trứng gà rất giàu dinh dưỡng như: protein, lipid, canxi, sắt, kẽm, folat, vitamin và khoáng chất. Lòng trắng trứng chứa nguồn chất béo rất quý đó là lecithin. Lecithin giúp giảm cholesterol, tăng HDL (cholesterol tốt) và làm giảm LDL (cholesterol xấu) trong cơ thể.

Cũng theo PGS Lâm, ăn trứng nên ăn cả lòng trắng và lòng đỏ. Vì nếu chỉ ăn lòng đỏ sẽ mất đi những dinh dưỡng, nguồn chất đạm dễ hấp thu có trong lòng trắng.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu ăn trứng sẽ tuỳ theo từng nhóm tuổi, cụ thể:

– Người trưởng thành nên ăn 3 – 4 quả/ tuần.

– Người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu ăn từ 1- 2 quả/ tuần.

– Trẻ em 6 – 7 tháng tuổi chỉ nên ăn nửa lòng đỏ/ bữa.

– Trẻ từ 8 – 12 tháng tuổi nên ăn 1 lòng đỏ / bữa.

– Trẻ 1 – 2 tuổi nên ăn cả lòng đỏ và lòng trắng tối đa 4 quả/ tuần.

– Trẻ trên 2 tuổi có thể ăn tối đa 6 trứng/ tuần.

Related Posts

Leave a Comment