Đây là loại trái cây rất được yêu thích tại thị trường tỉ dân Trung Quốc, với nhiều lợi ích cho sức khỏe có thể bạn chưa biết.
Đó chính là quả thanh long.
Thanh long là loại quả mang về giá trị xuất khẩu lớn cho ngành rau quả Việt Nam. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, thanh long xuất khẩu là mặt hàng rau quả xếp thứ 2 với 292 triệu USD, chỉ đứng sau sầu riêng, Tuổi trẻ Online đưa tin.
Thanh long Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, thanh long Việt cũng xâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn, New Zealand, Australia, theo VnExpress.
Thanh long đặc biệt được yêu thích tại thị trường tỉ dân Trung Quốc. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Phúc Nguyên – tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết 90% thanh long nhập khẩu Trung Quốc là thanh long Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh khó khăn chung, thị trường Trung Quốc giảm giá trị nhập khẩu đến 26% nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu thanh long lớn nhất với giá trị 203 triệu USD, chiếm 68% thị phần.
Ông Nguyên cho biết trên thế giới, thanh long được mệnh danh là “siêu trái cây” bởi những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe con người.
Dưới đây là những tác dụng bất ngờ của thanh long có thể bạn chưa biết.
Tác dụng của thanh long với sức khỏe
Báo Forbes của Mỹ cũng gọi thanh long là “siêu thực phẩm”. Trong một bài viết nói về lợi ích của thanh long, báo Forbes viết: “Thanh long được coi là “siêu thực phẩm”, nổi tiếng với hàm lượng chất dinh dưỡng cao, cùng với khả năng chống oxy hóa và chống viêm tiềm năng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ăn loại trái cây màu hồng hoặc đỏ này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư”.
Trong bài viết của Forbes, hai chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ đã phân tích công dụng của thanh long.
1. Giảm nguy cơ mắc bệnh và tăng cường khả năng miễn dịch
Theo các chuyên gia, thanh long chứa các hợp chất hoạt tính sinh học có thể mang lại lợi ích sức khỏe vượt xa giá trị dinh dưỡng cơ bản. Đặc biệt, thanh long chứa vitamin C và A, giúp chống oxy hóa. Ngoài ra, nó còn chứa kali. Các hợp chất này có thể giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến quá trình viêm và oxy hóa, bao gồm:
– Bệnh tiểu đường
– Bệnh tim mạch
– Bệnh ung thư
– Rối loạn mỡ máu (cholesterol cao)
– Hội chứng chuyển hóa (sự kết hợp của các tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đột quỵ và bệnh tim).
2. Cực tốt cho tiêu hóa
Melanie Marcus, chuyên gia dinh dưỡng tại Charlotte, Bắc Carolina, Mỹ, đồng thời là giám đốc truyền thông và chăm sóc sức khỏe tại Công ty Thực phẩm Dole, cho biết thanh long là “nguồn cung cấp prebiotic” hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa.
Marcus giải thích: “Các oligosacarit (chuỗi carbohydrate chứa từ 3 đến 10 đơn vị đường) trong thanh long không được tiêu hóa trong dạ dày. Thay vào đó, chúng hoạt động như nhiên liệu cho vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh”.
“Bằng cách thúc đẩy sự phát triển của lactobacilli và bifidobacteria, hai chủng vi khuẩn đường ruột quan trọng, thanh long có thể giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tăng cường khả năng phòng vệ miễn dịch của chúng ta”.
3. Cung cấp nhiều chất xơ
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một khẩu phần thanh long 100 gam chứa hơn 3 gam chất xơ. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), lượng chất xơ được khuyến nghị là 28 gam mỗi ngày, dựa trên chế độ ăn 2.000 calo và tùy thuộc vào giới tính của một người.
4. Cung cấp nước
Ngoài việc chứa chất xơ, thanh long còn là nguồn cung cấp nước tốt, cả hai điều này đều giúp hỗ trợ tiêu hóa và chống táo bón. Tuy nhiên, thanh long cũng chứa một lượng lớn đường tự nhiên trong trái cây, có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy khi ăn quá nhiều.
Chuyên gia dinh dưỡng Mỹ Kim Shapira lưu ý rằng phản ứng của mỗi người đối với thanh long và các loại trái cây khác có thể khác nhau.
Shapira khuyên đầu tiên, bạn chỉ nên ăn nửa quả thanh long và đợi ít nhất 15 phút trước khi ăn phần còn lại. Shapira giải thích: “Nói chung, việc ăn uống điều độ và quan sát mức độ chịu đựng của cá nhân có thể giúp kiểm soát mọi sự khó chịu”.
“Tôi luôn khuyên bạn bắt đầu với một nửa khẩu phần bình thường của mình và chờ xem cơ thể bạn cảm thấy thế nào”, chuyên gia nói.