Mới đây, một bác sĩ đã lên TikTok để cảnh báo người xem không nên uống một loại đồ uống sau khi ăn trưa.
Trong clip TikTok đăng trên tài khoản cá nhân của mình, bác sĩ Poonam Desai, làm việc tại New York, Mỹ, tiết lộ 5 bí quyết ngăn ngừa bệnh tật của mình.
Cô nói: “Tôi là bác sĩ và đây là năm điều tôi không làm hoặc không còn làm nữa vì sức khỏe của mình. Đầu tiên là uống rượu. Không có lượng rượu nào an toàn cho sức khỏe của chúng ta”.
Hành động thứ hai mà bác sĩ Desai không bao giờ làm là mua hộp nhựa. Cô giải thích: “Hộp nhựa, đặc biệt là khi đun nóng, có thể rò rỉ chất gây rối loạn nội tiết, vì vậy tôi không còn mua chúng nữa”.
Hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC) là các hóa chất có thể bắt chước, ngăn chặn hoặc can thiệp vào các hormone của cơ thể, vốn là một phần của hệ thống nội tiết, theo Viện Dịch vụ Sức khỏe Môi trường Quốc gia Mỹ.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cảnh báo rằng các hóa chất này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cả việc can thiệp vào quá trình sinh sản, tăng nguy cơ ung thư và làm rối loạn chức năng của hệ miễn dịch và hệ thần kinh.
Một quy tắc khác mà bác sĩ Desai tuân theo là không bay các chuyến bay đêm quá thường xuyên.
Bác sĩ giải thích: “Chuyến bay đêm có thể làm gián đoạn đáng kể giấc ngủ của bạn trong một đêm, vì vậy tôi tránh làm như vậy nếu có thể”.
Thiếu ngủ có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe mãn tính, bao gồm bệnh tim, bệnh thận, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, béo phì và trầm cảm. Tuy nhiên, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết một vài đêm mất ngủ thường không có gì đáng lo ngại.
Điều số bốn trong danh sách của bác sĩ Desai là không quên ăn năm loại thực phẩm thực vật khác nhau một ngày. “Những loại thực phẩm này có thể bao gồm trái cây, rau, thảo mộc và gia vị”, cô nói.
Chiến dịch ‘5 A Day’ (5 mỗi ngày) được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mọi người nên ăn tối thiểu 400g trái cây và rau mỗi ngày.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực phẩm tươi có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ và một số loại ung thư.
Đồ uống không nên tiêu thụ sau bữa trưa
Cuối cùng, vị bác sĩ khẳng định cô tránh uống caffeine sau bữa trưa, cụ thể là sau 12 giờ trưa. Cô nói: “Caffeine có thời gian bán thải là năm đến sáu giờ và vẫn có thể tồn tại trong hệ thống của bạn gần giờ đi ngủ, khiến chúng ta không thể chìm vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ. Vì vậy, tôi thực sự cố gắng tránh bất kỳ đồ uống có chứa caffeine nào vào buổi chiều”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine cho thấy uống một ly double espresso ba giờ trước khi đi ngủ có thể khiến đồng hồ sinh học của bạn quay ngược lại gần một giờ và khiến bạn bị ‘lệch múi giờ’.
Trà My
Theo Express