Ngoài nhịn tiểu, lười uống nước thì vẫn còn nhiều hành vi “đầu độc” khác. Nhất là trong chế độ ăn uống hằng ngày.
Bên cạnh dạ dày, thận cũng là cơ quan phải “chịu trận” nếu bạn ăn uống không lành mạnh. Bởi vì thận là cơ quan chính chịu trách nhiệm lọc và đào thải chất thải cùng các chất dư thừa từ cơ thể qua nước tiểu. Nếu ăn uống bừa bãi, thận sẽ phải làm việc quá sức để loại bỏ độc tố, bị tích tụ chất độc và dẫn đến suy giảm chức năng, mắc bệnh tật. Nếu muốn có thận khỏe mạnh, có 6 món bạn nên kiểm soát chặt chẽ lượng ăn:
1. Rượu bia
Đừng nghĩ rằng uống nhiều rượu bia chỉ hại gan hay dạ dày. Theo Tổ Chức Thận Anh Quốc, thường xuyên uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận lên gấp đôi. Do nó làm tăng áp lực lên thận trong việc lọc bỏ các chất độc hại. Đồng thời gây mất nước, tổn thương mô thận. Thói xấu này còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường tuýp 2. Cả hai bệnh này đều là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới bệnh thận mạn tính.
Ngoài ra, trong một số trường hợp uống quá nhiều rượu bia cùng lúc có thể gây suy giảm chức năng thận đột ngột gọi là tổn thương thận cấp tính.
2. Nội tạng động vật
Nội tạng động vật, như gan, thận, tim, hoặc ruột, mặc dù cung cấp nhiều dưỡng chất như vitamin A, sắt, và protein, nhưng lại có thể gây hại cho thận nếu tiêu thụ quá nhiều. Điều này là do các cơ quan này chứa hàm lượng cholesterol, purin và chất béo bão hòa cao, làm tăng gánh nặng cho thận trong việc xử lý các chất dư thừa và độc tố. Ngoài ra, một số nội tạng như thận hoặc gan động vật còn có thể chứa chất độc tích tụ từ cơ thể động vật, gây rủi ro lâu dài cho chức năng thận khi ăn thường xuyên.
3. Nước ngọt có ga
Uống nước ngọt có ga không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường mà còn gây hại cho thận. Một nghiên cứu tại Đại học Y Osaka (Nhật Bản) đã chỉ ra rằng uống 2 lon nước ngọt mỗi ngày làm tăng nguy cơ suy thận do lượng đường và muối trong máu tăng cao, kèm theo sự gia tăng protein trong nước tiểu.
Thói quen này có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính và các vấn đề liên quan đến thận. Để bảo vệ thận, bạn nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ nước ngọt có ga, đặc biệt là loại có nhiều đường.
4. Thịt đỏ, thịt chế biến sẵn
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thận nếu tiêu thụ quá nhiều. Thịt đỏ, như bò, cừu, hoặc lợn, chứa nhiều protein và chất béo bão hòa, khiến thận phải làm việc vất vả hơn trong việc xử lý các chất thải và chất độc. Hơn nữa, thịt chế biến sẵn (như xúc xích, giò chả, thịt xông khói) chứa nhiều muối và chất bảo quản, làm tăng nguy cơ huyết áp cao và bệnh thận mạn tính. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiêu thụ thịt chế biến sẵn quá mức có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận do lượng natri và chất béo cao.
5. Thực phẩm giàu oxalat
Rau xanh như rau dền, củ cải đường và trà đen là những thực phẩm giàu oxalat. Khi ăn nhiều thực phẩm này, oxalat sẽ kết hợp với canxi trong nước tiểu để tạo thành tinh thể, gây cản trở chức năng lọc máu của thận. Điều này có thể dẫn đến sỏi thận oxalat canxi, gây đau đớn và tổn thương thận. Để giảm tác động tiêu cực đến thận, bạn nên chần qua các thực phẩm này trước khi nấu hoặc hạn chế tiêu thụ chúng trong chế độ ăn uống.
6. Các món nhiều muối
Thực phẩm chứa nhiều muối là nguyên nhân chính khiến thận phải làm việc vất vả để đào thải natri dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này gây áp lực lên thận và có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính rất nhanh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ tối đa 5g muối mỗi ngày để bảo vệ thận và sức khỏe tổng thể. Nếu ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, các món ăn mặn hoặc các loại gia vị chứa muối, bạn đang vô tình “đầu độc” thận của mình.
Nguồn và ảnh: QQ, Aboluowang