Đây vốn là món ăn tốt cho sức khỏe, cũng rất quen thuộc trên mâm cơm hàng ngày. Tuy nhiên, ăn không cẩn thận có thể dẫn đến bị hóc, thủng ruột…
Một người đàn ông 61 tuổi ở Mannar, Sri Lanka đã bị thủng ruột và tử vong sau khi vô tình nuốt một chiếc xương cá. Theo người nhà kể lại, gần đây ông ăn cá thường xuyên hơn sau khi đọc được nhiều bài báo về lợi ích sức khỏe của thực phẩm này. Ông không hút thuốc cũng không uống rượu, có mắc cao huyết áp và tiểu đường nhưng đều kiểm soát tốt nhờ chăm chỉ dùng thuốc.
Mọi chuyện xảy ra khi ông bắt đầu than thở với người nhà rằng mình bị đau bụng. Nghĩ là rối loạn tiêu hóa nên ông tự mua thuốc uống nhưng không khỏi. Ba ngày sau đó, cơn đau ngày càng dữ dội, bụng của ông căng phồng, nôn mửa và táo bón nặng. Đặc biệt, ông còn sốt cao gần 40 độ và mệt mỏi đến mức gần như chỉ nằm một chỗ. Người nhà lúc này mới hoảng hốt đưa ông tới bệnh viện đại phương.
Nhân viên y tế kiểm tra và thấy ruột non của ông bị căng phồng nghiêm trọng. Kết luận ông bị viêm phúc mạc cấp tính kèm sốc nhiễm trùng nhưng không rõ nguyên nhân. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc điều trị nên ngay lập tức, một ca phẫu thuật nội soi thăm dò khẩn cấp đã được tiến hành.
Thật không ngờ, một chiếc xương cá hình lưỡi câu được phát hiện trong hồi tràng của ông, dẫn đến một lỗ thủng 5 mm. Bác sĩ phẫu thuật buộc phải cắt bỏ một đoạn hồi tràng dài 10 cm và lấy xương cá ra. Tuy nhiên, ngay cả khi ca phẫu thuật thành công, các phương pháp điều trị khác liên tiếp được thực hiện thì tình trạng của ông vẫn ngày một xấu đi. Cuối cùng, ông qua đời 8 giờ sau đó.
Bác sĩ điều trị của ông chia sẻ: “ Hầu hết các chất lạ hoặc dị vật đều thoát ra ngoài an toàn khi bài tiết. Nhưng một số có thể gây ra các biến chứng như chảy máu hoặc thủng đường tiêu hóa. Nhất là với các vật thể sắc nhọn, hình thù phức tạp như xương cá. Tính chất lởm chởm và sắc nhọn của xương cá có thể gây tổn thương niêm mạc và gây thủng, viêm loét ruột nghiêm trọng.
Các trường hợp thủng dạ dày, ruột, thực quản do xương cá gây ra không hề hiếm gặp. Tuy nhiên, thủng ruột tại vị trí hồi tràng (đoạn sau của hỗng tràng và tá tràng, nó chiếm khoảng một nửa chiều dài dưới của ruột non) khá hiếm gặp. Lúc này sẽ có tỷ lệ tử vong cao do dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng”.
Bác sĩ này cũng cảnh báo nên cẩn trọng khi ăn cá, nhất là các loại có nhiều xương cứng, xương nhỏ. Khi hóc xương, cần ngừng ăn uống ngay và nhổ thức ăn còn trong miệng ra, không nuốt thêm thứ gì khác. Đặc biệt, nếu phát hiện xương lớn, gây khó chịu tại chỗ thì không tự thực hiện các phương pháp lấy xương cá theo kiểu truyền miệng dân gian. Tốt nhất là nên tới các cơ sở y tế gần nhất. Ngoài ra, sau khi ăn uống có hiện tượng đau bụng hay trướng bụng, sốt, mệt mỏi… dai dẳng thì cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nguồn và ảnh: Chosun, The Paper