Loại quả này rất dễ ăn, mang lại giá trị dinh dưỡng cao.
Mùa thu đến, lựu được bày bán với số lượng lớn ở chợ, siêu thị, là trái cây được nhiều người yêu thích. Quả chín bên ngoài có màu cam đỏ bên trong là hàng trăm hạt mọng nước, có vị ngọt được ví như “hạt ngọc”. Nhiều người chia sẻ rằng họ chọn mua loại quả này vào mùa thu vì vị ngọt mát, mang đến giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ăn trực tiếp, bạn có thể dùng lựu làm nước ép, làm salad,…
Theo 163, quả lựu có tên là Punica granatum, là một loại cây bụi (a shrub) có quả màu đỏ. Lựu có giá trị dinh dưỡng cao, giàu đường, protein, axit citric, axit malic, vitamin C, vitamin E, vitamin B, kali, phốt pho, canxi và các khoáng chất khác. Ngoài ra, lựu còn chứa nhiều loại ancaloit, polyphenol, flavonoid,… cải thiện quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Chống ung thư, chống viêm
Lựu có thể làm chậm sự phát triển của khối u, lây lan và ức chế viêm, nhờ chứa hàm lượng lớn chất polyphenol và các chất chống oxy hóa. Đối với nam giới, ăn lựu có thể làm giảm ung thư tuyến tiền liệt và ngăn ngừa bệnh ung thư vú đối với phụ nữ. Bên cạnh đó, lựu còn chứa rất nhiều vitamin C, từ đó tăng cường hệ miễn dịch và giúp các tế bào của cơ thể chống lại các tác nhân gây ung thư. Chất tannin trong lựu cũng có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào gây ung thư trong cơ thể.
Đối với những người bệnh ung thư, đây cũng là loại trái cây được bác sĩ khuyên dùng. Bởi theo Life Extension, các nghiên cứu chỉ ra rằng hợp chất trong lựu như punicalagin, luteolin, ellagitannin và các polyphenol khác nhau có thể cản trở nhiều bước liên quan đến sự hình thành, phát triển và lây lan của ung thư như: Chặn chu kỳ tế bào, gây chết tế bào ung thư, ngăn chặn các mạch máu mới nuôi dưỡng ung thư, và ngăn ngừa ung thư di căn. Hiện tại, lựu cũng đang được nghiên cứu như một chất bổ trợ cho các phương pháp điều trị ung thư thông thường như hóa trị. Nó đã được chứng minh là tăng cường hiệu quả của các phương pháp điều trị như vậy, đồng thời cũng bảo vệ chống lại một số tác dụng phụ có hại của chúng.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch, và giảm huyết áp
Lựu có hợp chất polyphenol gọi là punicalagins hoặc ellagitannins. Những chất chống oxy hóa này giúp ngăn ngừa thành động mạch của bạn dày lên và làm giảm sự tích tụ cholesterol. Nước ép lựu cũng có hàm lượng cao các sắc tố thực vật gọi là anthocyanins và anthoxanthins, hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, chiết xuất từ quả lựu cũng có thể làm tăng cholesterol HDL, giúp giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim.
Theo WebMD, các học giả Israel đã phát hiện ra rằng uống 50-80ml nước ép lựu mỗi ngày trong 2 tuần có thể làm chậm quá trình oxy hóa tới 40% và giảm cholesterol bị oxy hóa lắng đọng. Kết quả nghiên cứu này cho thấy nước ép lựu có hiệu quả hơn rượu vang đỏ và nước ép cà chua trong việc ngăn ngừa và làm giảm bệnh tim do xơ cứng động mạch.
Giàu chất chống oxy hóa
Quả lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa, chẳng hạn như axit tannic, anthocyanin, axit ellagic, vitamin C và các polyphenol khác, có thể cải thiện màu da xỉn màu và ngăn ngừa lão hóa sớm. Thế nên, ăn và uống nước ép của loại quả này được xem như “sản phẩm dưỡng da tự nhiên” cho nhiều chị em phụ nữ.
Ngoài ra, lựu còn có nhiều tác dụng khác như cải thiện trí nhớ, hiệu suất tập thể dục, phòng và điều trị tiêu chạy, đồng thời hỗ trợ giảm cân,… Tuy mang lại nhiều hiệu quả tuyệt vời, song bạn cũng không nên ăn quá nhiều lựu trong một ngày, chỉ nên ăn khoảng 1 quả. Ngoài ra, lựu cũng không thích hợp cho những người đang bị sâu răng, nội nhiệt hoặc táo bón.
Nguồn: 163, Women’s Health, WebMD.