Bộ phận này của cây sắn có thể bổ sung như một loại rau, tốt cho tiêu hoá và thị lực nhưng lại thường không được tận dụng.
Như đã biết, củ sắn (khoai mì) giàu giá trị dinh dưỡng và rất tốt cho sức khoẻ. Ngoài củ, lá sắn (lá khoai mì) cũng có thể ăn và được coi là một loại rau. Rau sắn không chỉ lạ miệng mà còn giàu vitamin, được ví như “thuốc bổ”, có thể phòng ngừa nhiều bệnh tật.
Tuy nhiên, trong lá sắn có chứa một loại độc tố, nếu chế biến không đúng cách có thể gây hại tới sức khoẻ, nghiêm trọng hơn có thể đe doạ tính mạng.
1. Giá trị dinh dưỡng của lá sắn
Hàm lượng dinh dưỡng trong lá sắn khá đa dạng, cũng như các loại rau xanh khác – lá sắn cũng có hàm lượng chất xơ khá cao. Dưới đây là một số chất dinh dưỡng trong lá sắn:
– Chất xơ
– Carbohydrate
– Chất đạm
– Vitamin C, A, B1, B2, PP, B5
– Canxi
– Sắt
– Magie
– Mangan
– Phốt pho
– Kali
– Natri
– Kẽm
– Đồng
– Selen
2. Lá sắn đem lại những lợi gì sức khoẻ gì?
Dưới đây là một số lợi ích nổi bật của lá sắn đối với sức khoẻ:
– Giúp quá trình trao đổi chất
Lá sắn là nguồn cung cấp protein thực vật rất lớn, là loại protein thực vật chứa nhiều vitamin B. Vitamin B rất cần thiết để xây dựng các tế bào của cơ thể, hình thành các enzyme giúp cơ thể trao đổi chất.
– Ngăn ngừa một số bệnh mãn tính
Nghiên cứu cho thấy lá sắn có chứa các chất có lợi như phenolic và carotenoids. Chúng bao gồm axit phenolic, flavonoid và anthocyanin, tất cả đều góp phần mang lại lợi ích sức khỏe cho sắn và lá sắn. Tuy nhiên, mức độ của các hợp chất này có thể khác nhau rất nhiều dựa trên một số yếu tố.
Carotenoid trong lá sắn như beta-carotene và lutein rất bổ dưỡng và có tác dụng tăng cường sức khỏe. Beta-carotene được đánh giá cao nhờ khả năng chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể. Mặt khác, Lutein đã được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ sức khỏe của mắt và giúp điều trị các tình trạng liên quan đến hội chứng chuyển hóa.
Những hợp chất này rất quan trọng trong việc chống lại stress oxy hóa và các gốc tự do liên quan đến các bệnh mãn tính, bao gồm ung thư, tiểu đường và bệnh tim.
– Tốt cho hệ tiêu hoá
Lá sắn rất giàu chất xơ, do vậy loại rau này có thể hỗ trợ tiêu hóa và giúp ngăn ngừa táo bón.
Chất xơ có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột thường xuyên và góp phần tạo nên hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chất này cũng có thể đóng vai trò quản lý và hỗ trợ quá trình chữa lành các rối loạn tiêu hóa, bao gồm cả bệnh viêm loét đại tràng.
Ngoài lợi ích đối với hệ tiêu hoá, bổ sung lá sắn trong chế độ ăn uống có thể tăng cường lượng chất xơ ăn vào, từ đó có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và giảm mức cholesterol. Chúng tạo điều kiện cho quá trình hấp thụ tổng thể các chất dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể được hưởng lợi từ các vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn uống.
– Thúc đẩy quá trình làm lành vết thương
Lá sắn có đặc tính chống viêm và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương nhờ hàm lượng flavonoid và các chất phytochemical khác. Những đặc tính này làm cho lá sắn trở nên hữu ích trong y học cổ truyền để điều trị vết thương và giảm sưng tấy.
Ngoài ra, trong lá sắn còn chứa một số chất dinh dưỡng của khác có tác dụng giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương của cơ thể.
– Tốt cho phụ nữ mang thai
Lá sắn có hàm lượng sắt cao, có tác dụng ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở phụ nữ mang thai. Hơn nữa, loại lá này còn chứa nhiều sắt, folate và vitamin C, khiến chúng trở thành sự lựa chọn bổ dưỡng cho các bà mẹ đang mang thai.
Là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, lá sắn giúp đáp ứng nhu cầu vitamin và khoáng chất cho sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, vì trong lá sắn có chứa độc tố cyanide, nên các mẹ bầu nên hạn chế ăn nhiều cũng như cần chế biến đúng cách.
– Tốt cho thị lực
Lá sắn đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe thị giác, đặc biệt trong việc điều trị mờ mắt. Chế biến lá sắn với các nguyên liệu như tỏi và dùng làm món salad là một phương thuốc truyền thống tốt cho sức khỏe của mắt.
Các dưỡng chất trong lá sắn như Beta-carotene là tiền chất của vitamin A có thể duy trì thị lực khỏe mạnh và ngăn ngừa các bệnh về mắt như bệnh quáng gà, thoái hoá điểm vàng.
– Chống lại bệnh thấp khớp
Lá sắn chứa hàm lượng magie cao, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh thấp khớp. Việc sử dụng loại rau này trong y học cổ truyền để điều trị bệnh viêm khớp và thấp khớp là một lợi ích sức khỏe quan trọng.
3. Rủi ro sức khoẻ khi ăn lá sắn
Mặc dù có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ nhưng lá sắn có chứa chất kháng dinh dưỡng và glucoside cyanogen.
Chất kháng dinh dưỡng có thể làm giảm khả năng hấp thụ và sử dụng một số chất dinh dưỡng nhất định của cơ thể bạn. Tuy nhiên, nếu thực phẩm đó có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ, thì bạn vãn nên bổ sung thực phẩm đó một cách hợp lý vào chế độ ăn uống, không nhất thiết phải tránh chúng hoàn toàn.
Glucoside cyanogen là một chất độc, khi vào cơ thể chuyển hóa thành độc tố cyanide vô cơ, có thể gây tình trạng ngộ độc nguy hiểm, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, khi chế biến đúng cách thì có thể làm giảm độc tố này trong lá sắn.
Hơn nữa, cũng như bất kể các loại thực phẩm, lá sắn cũng có thể gây dị ứng. Sau khi ăn loại lá này và thấy xuất hiện các triệu chứng như khó thở, sưng họng, phát ban, sưng mắt,… thì bạn nên đến bệnh viện ngay để được cấp cứu.
4. Vậy ăn lá sắn như thế nào để an toàn?
Để ăn lá sắn an toàn, bạn có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây:
– Lựa chọn lá sắn non và tươi, tránh những lá già có nhiều độc tố.
– Rửa sạch lá sắn dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn.
– Ngâm lá sắn trong nước lạnh có pha thêm một chút muối khoảng 15-20 phút.
– Luộc lá sắn với nước sôi trong ít nhất 10 phút để loại bỏ độc tố cyanide tự nhiên có trong lá sắn.
– Làm lạnh nhanh lá sau khi luộc bằng cách ngâm vào nước đá lạnh; điều này giúp giữ màu xanh của lá và loại bỏ thêm một phần độc tố. Sau đó, bạn vò nát lá sắn, cách này cũng có thể loại bỏ độc tố ra khỏi lá.
– Khi nấu, có thể kết hợp lá sắn với các nguyên liệu khác như thịt, cá, hoặc đậu để tăng hương vị và giá trị dinh dưỡng.
Lưu ý rằng các bước trên là cần thiết để giảm thiểu độc tố có thể có trong lá sắn. Luôn cẩn thận khi chế biến và tiêu thụ lá sắn để đảm bảo an toàn.
Nhìn chung, lá sắn rất giàu protein, khoáng chất và vitamin, có thể so sánh tốt như các loại rau xanh khác. Tuy nhiên, như đã nhấn mạnh, loại lá này có chứa độc tố nên bạn cần chế biến đúng cách.
Đặc biệt, nên cẩn trọng khi sử dụng sắn đắng, sắn cao sản (cả củ và lá) để chế biến thức ăn. Vì loại sắn này có độc tố cao hơn.