Nhóm tình nguyện viên 20-65 tuổi, có thân hình từ hơi thừa cân đến béo phì, đã giảm mỡ đáng kể chỉ sau 12 tuần mà không cần giảm cân.
Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học Journal of Functional Foods, món kim chi nổi tiếng từ Hàn Quốc có tiềm năng ứng dụng như một “thần dược” tự nhiên để giảm mỡ cũng như nguy cơ tiến triển các bệnh nguy hiểm ở người thừa cân, béo phì.
Tác động này nhờ vào các thay đổi tích cực trong hệ vi sinh vật đường ruột.
Béo phì những năm gần đây được nhiều cơ quan y tế trên thế giới cảnh báo là một căn bệnh thời đại bao trùm nhiều bệnh, có nguy cơ cao tiến triển các tình trạng như tiểu đường type 2, bệnh tim và ung thư.
Nguyên nhân gây béo phì bao gồm sự cộng hưởng của các yếu tố như di truyền, chế độ ăn uống, thành phần vi khuẩn đường ruột, thói quen vận động.
Trong đó, chế độ ăn uống được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu và nó cũng có thể tác động đến cả hệ vi sinh vật đường ruột.
Vì vậy, món kim chi – mà ngày nay gần như đã phổ biến khắp thế giới – có triển vọng trong việc kiểm soát tình trạng béo phì nhờ chứa nhiều lợi khuẩn, theo các tác giả từ Bệnh viện Đại học Quốc gia Pusan, Đại học Quốc gia Gyeongsang và Viện Kim chi thế giới (Hàn Quốc).
Viết trong nghiên cứu mới, các tác giả chỉ ra rằng kim chi có chứa cải thảo, tỏi, gừng và ớt đỏ, vốn là những thứ được chứng minh là giúp cải thiện quá trình chuyển hóa.
Lợi ích càng được gia tăng khi quá trình lên men giúp tăng cường lượng hợp chất hoạt tính sinh học trong các thành phần nói trên, bổ sung men vi sinh cho cơ thể, từ đó cải thiện sức khỏe đường ruột, giúp gia tăng quân số các lợi khuẩn như Akkermansia muciniphila.
90 tình nguyện viên từ 20-65 tuổi, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 23-30 đã tham gia thí nghiệm.
Tuy theo chuẩn quốc tế thì BMI 25 trở lên mới gọi là thừa cân, nhưng các nhà khoa học cho rằng với người châu Á, 23 đã là thừa cân.
Họ đã được phân thành 3 nhóm ngẫu nhiên, bổ sung viên uống chứa một trong 2 loại bột kim chi lên men hoặc giả dược để đối chiếu, ăn uống như nhau.
Sau 12 tuần, phân tích nhân trắc học cho thấy khối lượng mỡ cơ thể và tỉ lệ phần trăm tăng mỡ tăng đáng kể ở nhóm dùng giả dược.
Ngược lại, các nhóm bổ sung kim chi cho thấy khối lượng mỡ cơ thể giảm đáng kể, mặc dù có thể họ không hề giảm cân.
Với một cơ thể có cân nặng như nhau, người có tỉ lệ mỡ thấp, cơ bắp cao đương nhiên khỏe mạnh hơn.
Trong 2 nhóm bổ sung kim chi, nhóm sử dụng kim chi lên men bằng lợi khuẩn Leuconostoc mesenteroides còn cho thấy sự cải thiện các chỉ số mỡ máu, bao gồm giảm cholesterol xấu (LDL) và triglyceride (chất béo trung tính) và tăng cholesterol tốt (HDL).
“Các chất hóa học thực vật trong kim chi có thể hoạt động như prebiotic, tăng cường sự phát triển của probiotic (lợi khuẩn) và góp phần vào sức khỏe trao đổi chất – các tác giả giải thích.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy nhiều món ăn giàu men vi sinh khác – ví dụ như sữa chua, chao, natto, dưa cải, rau củ lên men các loại… – cũng có thể hỗ trợ chống béo phì, mỡ máu.