Hãy cùng khám phá tác dụng hạ huyết áp của tỏi – một loại thực phẩm rất quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình.
Tỏi có tác dụng hạ huyết áp (Ảnh: Getty)
Tỏi là một loại thực phẩm rất quen thuộc, dễ mua và có giá phải chăng. Từ xa xưa, tỏi còn được sử dụng như một vị thuốc để điều trị nhiều bệnh như cảm lạnh, ho, nhiễm trùng,… Y học hiện đại chứng minh tỏi có nhiều lợi ích sức khỏe. Một trong số các lợi ích nổi bật của tỏi đó là hạ huyết áp.
Tỏi giúp hạ huyết áp như thế nào?
Theo thông tin từ Very Well Health, huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch – nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ. Ngoài ra, huyết áp cao còn là “thủ phạm” làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ cũng như các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như tổn thương thận và mất thị lực. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy huyết áp cao cũng liên quan đến suy giảm trí nhớ.
Một số nghiên cứu cho thấy tỏi có thể có tác dụng hạ huyết áp nhờ có chứa thành phần oxit nitric. Đây là hợp chất có tác dụng thư giãn mạch máu, cải thiện lưu lượng máu, từ đó dẫn tới hạ huyết áp.
Một đánh giá năm 2015 đã xem xét 9 nghiên cứu với 482 người tham gia. Các nghiên cứu này đều cho thấy bổ sung tỏi vào chế độ ăn có thể giúp hạ huyết áp hiệu quả hơn so với giả dược.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về mối liên hệ giữa tỏi và huyết áp cao chủ yếu là nghiên cứu có quy mô nhỏ và sử dụng tỏi với liều lượng rất cao. Do đó, cần có thêm các nghiên cứu quy mô lớn hơn, đặc biệt nghiên cứu về mối liên hệ giữa cách sử dụng tỏi với liều lượng bình thường và tác dụng hạ huyết áp.
Nên ăn tỏi vào lúc nào?
Theo trang NDTV Food, việc ăn 1 tép tỏi sống vào buổi sáng khi bụng đói không chỉ có lợi cho việc điều hòa huyết áp mà còn có thể mang lại rất nhiều lợi ích khác cho sức khỏe nhờ vào các hợp chất sinh học, đặc biệt là allicin có trong tỏi.
Tuy nhiên, các hợp chất này có thể gây kích thích lớp niêm mạc dạ dày, ruột, dẫn tới cảm giác khó chịu, đau. Do đó, nếu ăn tỏi sống, mọi người không nên ăn quá nhiều. Những người có tiền sử mắc hoặc đang mắc các vấn đề về dạ dày, ruột tuyệt đối không nên áp dụng cách ăn này. Những người đang dùng thuốc chống đông máu cũng không nên sử dụng tỏi.
Vì tỏi có vị cay nồng nên nhiều người có thể gặp khó khăn trong việc nhai tỏi sống. Trang NDTV Food hướng dẫn mọi người có thể cắt tép tỏi thành từng lát mỏng và uống cùng với nước ấm. Việc bắt đầu một ngày mới với một cốc nước ấm cũng là một phương pháp hiệu quả để khởi động quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Ngoài cách dùng trên, tờ Times of India hướng dẫn mọi người có thể rưới 1 ít mật ong lên các lát tỏi sống và để trong vòng 2 phút trước khi ăn. Để tiện lợi, mọi người có thể trộn sẵn 10 tép tỏi đã băm nhỏ với 5 thìa mật ong và bảo quản trong chai kín. Hạn sử dụng tối đa cho hỗn hợp này là 1 tuần và mỗi ngày bạn có thể lấy ra 1 thìa cà phê để ăn.
Dưới đây là các lợi ích khác của việc ăn tỏi sống vào buổi sáng.
Hạ mỡ máu
Bác sĩ Shilpa Arora, chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ, cho biết: “Ăn tỏi sống vào buổi sáng khi bụng đói rất có lợi trong việc hạ mỡ máu”.
Nguyên nhân là do tỏi có chứa các hợp chất lưu huỳnh, đặc biệt là allicin. Các hợp chất này được cho là có khả năng giúp hạ mỡ máu bằng cách giảm tổng cholesterol và triglyceride trong máu. Ngoài ra, tỏi cũng có thể giúp tăng cường hoạt động của enzim giải phóng cholesterol, giúp loại bỏ cholesterol khỏi cơ thể và ngăn chặn sự hình thành của các mảng bám trong động mạch, từ đó giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các bệnh tim mạch khác.
Kháng khuẩn và kháng nấm
Tỏi sống là một trong những loại kháng sinh tự nhiên. Ăn một tép tỏi sống khi bụng đói sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn có hại có trong đường ruột. Ngoài vi khuẩn, tỏi cũng có tác dụng kháng nấm. Do đó, tỏi có thể được sử dụng như một phương pháp tự nhiên để hỗ trợ phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm gây ra.
Cải thiện chức năng tiêu hóa
Tỏi có thể hỗ trợ đường tiêu hóa bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch trong ruột và giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Allicin và các hợp chất khác có trong tỏi cũng có thể giúp giảm viêm và bảo vệ đường tiêu hóa khỏi các tác nhân gây hại, từ đó cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm nguy cơ mắc một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như viêm đường ruột.