Chỉ với 1-3 tách trà đen mỗi ngày, nguy cơ mắc một dạng ung thư phổ biến và thường được phát hiện trễ có thể giảm tới 36%.
Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Y khoa Đại học Chiết giang, Trung tâm Ung thư Đại học Chiết Giang và Viện Khoa học Y tế Trung Quốc đã nghiên cứu tác động của một số loại trà lên các bệnh ung thư phụ khoa. Từ đó, nhóm nghiên cứu tìm ra tác dụng đặc biệt của trà đen với ung thư buồng trứng.
Trà đen là loại trà được làm ra từ cùng nguyên liệu làm trà xanh hay trà ô long nhưng được lên men sâu nhất. Quá trình lên men không chỉ làm thay đổi hương vị, màu sắc mà còn làm thay đổi một số tính chất của trà, khiến mỗi loại có một số tác dụng riêng biệt đến sức khỏe.
Trà đen cũng là loại trà “truyền thống” và phổ biến nhất ở một số quốc gia châu Á bao gồm Việt Nam, Trung Quốc.
Viết trên tạp chí Nutrients, nhóm tác giả cho biết họ đã phân tích dữ liệu của hơn 2 triệu người mắc và không mắc ung thư được ghi nhận bởi 19 nghiên cứu khác nhau.
Từ đó, mối liên hệ giữa thói quen uống trà đen, trà ô long, trà xanh, trà thảo dược… đối với nguy cơ mắc ung thư phụ khoa, bao gồm ung thư buồng trứng, cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, và ống dẫn trứng được xem xét.
Kết quả đã xác nhận tác động có lợi rõ ràng nhất xảy đến đối với ung thư buồng trứng ở người uống trà đen.
Với mức tiêu thụ trung bình từ 1,4 đến 3,12 tách trà đen mỗi ngày, nguy cơ ung thư buồng trứng giảm khoảng 36%.
Đây là mức giảm rất có ý nghĩa, bởi ung thư buồng trứng khá phổ biến, là dạng khối u ác tính phổ biến thứ hai ở phụ nữ lớn tuổi.
Trong khi đó, theo thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 324.000 ca mắc mới ung thư buồng trứng được ghi nhận chỉ trong năm 2022, trong đó 54,9% là ở khu vực châu Á.
Ung thư buồng trứng hiểm hóc ở chỗ không dễ phát hiện, dễ bị chẩn đoán muộn. Số ca tử vong toàn cầu do ung thư buồng trứng được WHO ghi nhận trong năm 2022 lên đến hơn 206.000 ca.
Các tác giả chưa chỉ ra cơ chế tác động, tuy nhiên các hợp chất hoạt tính sinh học khác trong trà từng được nhiều nghiên cứu khác chứng minh là có tính chống oxy hóa, chống viêm cao. Điều này có thể gián tiếp làm giảm nguy cơ nhiều bệnh từ tim mạch, chuyển hóa đến ung thư.
Trước đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra các tác dụng sức khỏe bất ngờ khác của trà đen.
Một công trình từ Đại học Jiliang ở Hàng Châu – Trung Quốc chứng minh theabrownin sinh ra dồi dào trong quá trình lên men sâu trà đen giúp chống gan nhiễm mỡ, mỡ máu.
Trong khi đó, nghiên cứu từ Đại học Adelaide (Úc) và Đại học Đông Nam (Trung Quốc) kết luận chỉ cần uống một tách trà đen mỗi ngày sẽ đủ làm giảm nguy cơ mắc tiền tiểu đường 15% và giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2 lên tới 28%.