Đây là loại rau dân dã nhưng giàu giá trị dinh dưỡng, đặc biệt thơm ngon trong mùa đông này.
Cải cúc: Loài rau nên ăn vào mùa đông, rất tốt cho sức khỏe
Khi nhắc đến cải cúc, nhiều người thường nghĩ ngay đến hương vị tươi mới của nó vào mùa xuân. Tuy nhiên, bạn có biết rằng cải cúc mùa đông lại ngon và đặc biệt hơn rất nhiều. Trải qua một năm sinh trưởng, từ sự bừng tỉnh của mùa xuân, sự xanh tốt của mùa hè, đến lắng đọng của mùa thu, và cuối cùng là chịu đựng sự khắc nghiệt của những cơn gió đông, cải cúc mùa đông như kết tinh tất cả những gì tinh túy nhất. Đó chính là món quà thiên nhiên ban tặng cho con người trong những ngày giá rét.
Khí hậu lạnh giá khiến cải cúc phát triển chậm hơn, nhờ đó tích lũy được nhiều dưỡng chất. Điều này không chỉ làm tăng giá trị dinh dưỡng mà còn khiến hương vị cải cúc đậm đà hơn, thơm nồng hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nếu mùa xuân, cải cúc nổi bật với vị thanh ngọt nhẹ nhàng thì mùa đông, cải cúc lại mang một mùi hương sâu lắng, đậm đà khó quên.
Ở nước ta, cây được trồng nhiều tại các địa phương ở miền Bắc. Ở miền Nam, cây chủ yếu ở được trồng ở tỉnh Lâm Đồng. Thu hái khi cần, có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.
Ở những vùng nông thôn, cải cúc không chỉ là một loại rau dại mà còn là một phần trong nếp sống giản dị của người dân. Những ngày đông, người ta thường ra đồng hái cải cúc. Nếu may mắn, bạn sẽ thấy lá cải cúc phủ lớp sương mỏng vào buổi sớm mai. Đừng lo lắng rằng sương giá sẽ làm hỏng cải cúc – ngược lại, chính nó lại mang đến cho loại rau này một hương vị tươi mới và đặc trưng không nơi nào sánh được.
Những cọng cải cúc xanh mướt, nhỏ nhắn và thơm ngát được gom góp lại, mang về nhà để chế biến thành vô số món ngon.
Công dụng quý giá của cải cúc theo y học cổ truyền
Không chỉ là một món ăn dân dã, cải cúc còn được biết đến với nhiều công dụng quý giá trong y học cổ truyền. Theo các sách y học cổ, cải cúc có tính mát, vị ngọt, rất tốt cho sức khỏe. Loại rau này giúp thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu sưng, bảo vệ gan và còn hỗ trợ tăng cường sức đề kháng trong mùa đông lạnh giá. Với những lợi ích vượt trội như vậy, cải cúc xứng đáng được đưa vào thực đơn thường xuyên trong mỗi gia đình, đặc biệt là vào mùa đông.
Một món ăn “mới lạ” giữ trọn lợi ích của cải cúc
Trong vô vàn cách chế biến cải cúc, bạn có thể tham khảo cách làm bánh bao hoặc bánh chẻo. Nhân bánh làm từ thịt trộn với cải cúc không chỉ thơm ngon, mà còn giữ trọn vị ngọt tự nhiên, khiến bất kỳ ai thưởng thức cũng phải say mê.
Dưới đây là cách làm bánh bao nhân thịt và cải cúc:
Bước 1: Sơ chế cải cúc
Chọn cải cúc tươi, rửa sạch. Đừng bỏ đi phần rễ vì đây chính là nơi tích tụ nhiều hương vị nhất. Đun sôi nước, cho cải cúc vào chần sơ khoảng 1 phút để loại bỏ vị chát và oxalat. Để cải giữ được màu xanh đẹp mắt, bạn có thể thêm chút dầu và muối vào nước. Sau khi chần, vớt cải ra, rửa lại bằng nước lạnh, để ráo và băm nhuyễn.
Bước 2: Chuẩn bị nhân thịt
Chọn thịt lợn có cả nạc và mỡ để nhân không bị khô. Xay nhuyễn hoặc băm nhỏ thịt. Trộn thịt với hành lá, gừng băm, muối, đường, xì dầu, tiêu, dầu hào, bột nêm. Để tăng độ ẩm và giúp nhân bánh mềm hơn, bạn có thể thêm chút nước gừng ngâm hoa tiêu, trộn đều theo một chiều.
Bước 3: Kết hợp cải cúc và thịt
Thêm cải cúc băm nhuyễn vào thịt, trộn đều. Thêm chút dầu mè để tăng hương vị. Trộn hỗn hợp đều tay, nhân bánh sẽ có mùi thơm hấp dẫn và vị ngọt đậm đà.
Bước 4: Thưởng thức món ngon
Sau khi hoàn thành phần nhân, chỉ cần gói bánh và hấp chín là bạn đã có ngay một món ăn ấm bụng cho những ngày đông lạnh. Nhân bánh cải cúc vừa mềm vừa thơm, không ngấy, đậm đà nhưng vẫn giữ được hương vị thanh tao đặc trưng.
Ngoài bánh bao, cải cúc còn có thể chế biến thành nhiều món ngon khác như nấu canh, xào tỏi, hoặc trộn làm salad. Trong đó, bánh bao cải cúc vẫn được nhiều người yêu thích vì phù hợp với mùa đông.