Lạc (đậu phộng) là thực phẩm không xa lạ với người Việt. Ít ai biết loại hạt này lại giàu dinh dưỡng và có thể làm thuốc.
Nội dung chính
- Tác dụng của hạt lạc.
- Bài thuốc từ hạt lạc.
- Lưu ý khi dùng lạc làm thuốc.
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) lạc hay đậu phộng có tên khoa học là Arachis hypogaea L. Đây là một loài cây thực phẩm thuộc họ đậu, có nguồn gốc tại Trung và Nam Mỹ.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, hạt lạc chứa 3-5% nước, 20-30% chất đạm, 40-50% chất béo; 20% chất bột, 2-4% chất vô cơ… Hạt lạc còn chứa dầu lạc gồm các glycerid của acid béo no và không no, acid oleic, acid linoleic, acid palmitic, acid stearic, acid hexaconic,…
Bác sĩ Vũ cho biết, lạc được ví như “siêu thực phẩm” do rất giàu chất dinh dưỡng, cung cấp hơn 30 chất dinh dưỡng thiết yếu. Lạc là nguồn cung cấp niacin, folate, chất xơ, vitamin E, magiê và phốt pho. Đặc biệt, lạc có chứa hợp chất resveratrol có tính chống oxy hóa mạnh, làm tăng cholesterol tốt HDL giúp hệ tuần hoàn khỏe mạnh, máu huyết lưu thông tốt, da dẻ hồng hào.
Theo Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Bộ Công Thương), dầu lạc chứa hàm lượng calo rất lớn, là thực phẩm bổ sung năng lượng rất tốt. Dầu lạc nguyên chất chứa nhiều chất chống oxy hóa và khoáng chất. Chất resveratrol trong dầu lạc giúp chống lại bệnh thần kinh, bệnh Alzheimer và các bệnh nhiễm virus, giảm mức độ cholesterol xấu và ngăn ngừa bệnh tim, bệnh mạch vành.
Lạc – một vị thuốc quý
Bác sĩ Vũ cho biết, theo Đông y các bộ phận của cây lạc đều là các vị thuốc quý. Ví như thân, cành, lá, củ, nhân và màng bọc ngoài của nhân, dầu lạc… đều là những vị thuốc đã được sử dụng từ lâu đời trong dân gian. Người Trung Quốc đặt cho hạt lạc là “hạt trường sinh” do có nhiều tác dụng quý cho sức khỏe.
Hạt lạc có vị ngọt, bùi, béo có tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, nhuận phế, lợi tràng, tiêu đờm, điều hòa huyết khí, tiêu sưng, cầm máu, lợi tiểu, tăng tiết sữa, mát họng, giảm cholesterol, chống lão hóa.
Các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy hạt lạc có những tác dụng tăng lực, bồi bổ cơ thể, hạ huyết áp, giảm mỡ máu và cầm máu.
Vỏ lụa (lớp vỏ mỏng bao ngoài hạt lạc) có tác dụng cầm máu, chữa xuất huyết và kích thích tủy sống tạo ra tiểu cầu.
Vỏ lạc (vỏ cứng bọc ngoài hạt lạc) có tác dụng hạ huyết áp và giảm mỡ máu.
Cành, lá cây lạc ngoài tác dụng hạ huyết áp và giảm mỡ máu, còn có tác dụng an thần, chống mất ngủ.
Các bài thuốc từ lạc
Dưới đây, bác sĩ Vũ tư vấn một số bài thuốc có sử dụng hạt, vỏ, thân cây lạc:
– Chữa ho nhiều đờm: Hạt lạc 30g, nấu chín nhừ rồi trộn lẫn 30g mật ong, ngày ăn 2 lần cho tới khi khỏi thì dừng.
– Chữa ho lâu ngày không khỏi: Hạt lạc, táo tàu, mật ong, mỗi thứ lấy 30g sắc lấy nước uống, uống 2 lần/ ngày.
– Chữa ho lâu ngày, đờm ít: Hạt lạc 15g, hạnh nhân 15g giã nát. Lấy mỗi lần 10g trộn với một ít mật ong, hoà lẫn nước sôi rồi ăn.
– Chữa viêm khí quản mạn tính: Mỗi ngày ăn 30g hạt lạc chín vào buổi sáng và buổi tối.
– Chữa bệnh cao huyết áp, cao mỡ máu: Hạt lạc ngâm trong dấm, sau đó bọc kín miệng lọ. Sau một tuần bỏ lạc đã ngâm ra ăn, mỗi lần ăn 10 hạt, ngày ăn 2 lần.
– Hạ huyết áp, mỡ máu cao: Lá lạc, thân cây lạc non mỗi thứ 30g, sắc lấy nước uống, ngày 1 thang.
– Chữa bệnh thiếu máu: Hạt lạc 100g, táo tàu, đường đỏ mỗi thứ 50g, nấu nhừ lên, ngày ăn 1 lần.
– Chữa loét dạ dày và hành tá tràng: Hạt lạc 100g nấu lẫn với thịt lợn hoặc trứng gà. Hoặc có thể uống 2 thìa dầu lạc đã nấu vào buổi sáng, trước 30 phút ăn sáng. Dùng như vậy trong 1 – 2 tuần liên tục là thấy có kết quả.
– Chữa đau khớp: Rễ cây lạc 60g, nấu với một ít thịt lợn nạc thật nhừ rồi ăn.
– Chữa di tinh: Vỏ bọc ngoài hạt lạc 6g, nấu lấy nước uống mỗi ngày 2 lần.
– Chữa viêm thận mạn tính: Dùng hạt lạc, đậu tằm rang với đường đỏ để ăn, hoặc hạt lạc sắc với hồng táo để uống.
– Chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ: Dùng lá và thân cây lạc tươi 100g hoặc 40g cành lá khô, cho vào nồi, đổ ngập nước, đặt lên bếp đun sôi, sau đó đun nhỏ lửa thêm 10 phút. Nước chắt ra chia thành 2 lần uống vào buổi sáng và buổi tối. Thuốc còn có tác dụng điều hòa huyết áp và hàm lượng cholesterol trong huyết thanh máu.
Bác sĩ Vũ lưu ý, lạc lành tính tuy nhiên cần lưu ý không lạm dụng, dùng quá nhiều vì có thể gây tiêu chảy, khiến mắt, miệng, hoặc mũi bị khô. Người vốn nhuận tràng, đại tiện lỏng do hàn thấp ứ trệ không nên dùng độc vị (cần phối hợp với một số vị thuốc khác). Ngoài ra, lạc bị mốc dễ gây ảnh hưởng đến gan, do đó cần cẩn thận khi dùng.