Lạc (đậu phộng) là loại hạt nhỏ bé nhưng giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên ít ai biết ăn chín hay ăn sống thì bổ hơn.
Là thực phẩm giá rẻ, quen thuộc nhưng cực giàu dinh dưỡng, lạc rất được ưa chuộng. Ăn nó không chỉ cung cấp năng lượng mà còn tốt cho tiêu hóa, tim mạch, não bộ, xương khớp, làm đẹp… Lạc cũng rất đa dạng cách chế biến, vậy giữa lạc sống và lạc chín thì loại nào thực sự bổ dưỡng hơn?
Lạc sống hay chín bổ dưỡng hơn?
Để biết lạc sống hay chín bổ dưỡng hơn cần phân tích giá trị dinh dưỡng của hai loại. Với lạc sống, chúng rất giàu protein, với khoảng 27,8 gam protein trong mỗi 100g đậu phộng. Protein đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và phục hồi của cơ thể. Ngoài ra, lạc sống còn chứa chất xơ thô, giúp cải thiện tiêu hóa và giảm nguy cơ táo bón.
Bên cạnh đó, lạc sống cũng giàu các khoáng chất như canxi, sắt và phốt pho, giúp duy trì sức khỏe toàn diện. Đặc biệt, chất béo không bão hòa trong đậu phộng sống cung cấp năng lượng cho cơ thể, hỗ trợ quá trình hấp thụ vitamin và khoáng chất.
Ngược lại, khi nấu chín, một số chất dinh dưỡng trong lạc sẽ bị mất đi do nhiệt. Chưa kể việc kết hợp gia vị và các thực phẩm khác có thể sinh ra phản ứng, ảnh hưởng tới lượng dinh dưỡng vốn có của lạc.
Mặc dù vậy, lạc sống không dễ ăn với tất cả mọi người. Việc tiêu thụ quá nhiều lạc sống có thể gây buồn nôn và nôn mửa. Lạc sống còn tiềm ẩn nguy cơ sản sinh ra aflatoxin – một chất gây ung thư. Mặc dù lạc nấu chín có thể mất đi một số vitamin và khoáng chất nhưng lại loại bỏ được nguy cơ này.
Tóm lại, lạc sống bổ dưỡng hơn lạc chín. Tuy nhiên, phải nhớ rằng mỗi loại lại có những ưu nhược điểm riêng, phục vụ mục đích và sở thích khác nhau. Điều quan trọng nhất là cần tiêu thụ chúng một cách cẩn thận và có kiểm soát, nhất là với lạc sống.
5 nhóm người nên hạn chế ăn lạc
Dù là lạc sống hay chín, có 5 nhóm người nên hạn chế hoặc tốt nhất là không ăn chúng. Đó là:
Bệnh nhân cắt túi mật
Túi mật có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Khi túi mật bị cắt bỏ, chức năng này bị ảnh hưởng, dẫn đến khó tiêu và tiêu chảy nếu ăn nhiều lạc Do đó, bệnh nhân cắt túi mật nên hạn chế tiêu thụ lạc để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Người bị gout
Lạc chứa purin, có thể làm tăng mức axit uric trong cơ thể, điều này không tốt cho người mắc bệnh gout. Họ nên tránh thực phẩm chứa nhiều purin, bao gồm cả đậu phộng, đặc biệt là các loại đã qua chế biến như lạc rang muối.
Bệnh nhân thận mãn tính
Lạc có hàm lượng protein và chất béo cao, gây áp lực lên thận. Ngoài ra, phốt pho và kali trong lạc có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh thận. Người mắc bệnh thận mãn tính nên hạn chế ăn lạc để bảo vệ sức khỏe thận.
Người mắc tiểu đường
Lạc chứa nhiều calo và chất béo, có thể làm tăng đường huyết. Việc tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa và chuyển hóa có thể dẫn đến các biến chứng như bệnh tim mạch. Người tiểu đường nên cẩn trọng khi ăn lạc và hạn chế khẩu phần.
Người muốn giảm cân
Lạc có lượng calo cao, khoảng 567kcal trong mỗi 100g, tương đương với một bát cơm trắng. Do đó, người muốn giảm cân nên hạn chế ăn lạc để tránh nạp quá nhiều calo. Nên lựa chọn các loại hạt khác ít calo hơn như hạt điều hoặc quả hồ trăn.
Nguồn và ảnh: QQ, Eat This