“Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng mà ra”. Cách bạn ăn uống có thể quyết định sức khỏe và cuộc đời của bạn.
Nhiều người có một số thói quen ăn uống không tốt trong đời sống hàng ngày, khiến tuổi thọ bị rút ngắn và gây hại cho sức khỏe. Tôi hy vọng bạn không mắc phải bất kỳ thói quen nào trong 5 thói quen ăn uống này để rồi cả sức khỏe và cuộc đời phải trải qua nhiều biến cố, bấp bệnh!
1. Ăn quá nhanh
Trong cuộc sống có người ăn rất nhanh, chỉ ba hai miếng là xong bữa, thậm chí không quá 5 phút. Những người ăn quá nhanh có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao hơn rất nhiều và ăn quá nhanh cũng có liên quan đến nhiều loại rối loạn chuyển hóa.
Vào tháng 8/2024, một nghiên cứu trên tạp chí “Dinh dưỡng và Tiểu đường” đã phát hiện ra rằng ăn nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ! Đặc biệt, những người ăn nhanh (mỗi lần dưới 5 phút) hơn 2 lần/tuần có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao hơn 81%.
Ngoài ra, ăn quá nhanh cũng có thể khiến bạn dễ tăng cân, làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa và tăng nguy cơ mắc phải hội chứng chuyển hóa (trong đó có bệnh cao huyết áp, tăng đường huyết, tăng lipid máu, tiểu đường… từ đó gây xơ vữa động mạch và nhiều bệnh mãn tính khác).
2. Ăn quá nhiều
Nhiều người có thói quen ăn quá nhiều và thường ăn cho đến khi no không ăn nổi nữa mới đặt đũa xuống. Thậm chí có một số người còn coi việc ăn uống như một cách để trút giận. Mỗi khi có điều gì khiến họ khó chịu, họ sẽ có thói quen ăn uống vô độ và không thể dừng lại.
Vào tháng 10/2024, theo tờ Chao News, Tiểu Lý (30 tuổi, Trung Quốc) không hút thuốc hay uống rượu. Ngoài ăn uống thường ngày, anh không có sở thích đặc biệt nào. Nhưng trong 6 tháng qua, anh thường xuyên bị đau dạ dày, ngoài gan nhiễm mỡ, anh còn bị viêm tụy mãn tính và sỏi ống tụy. Cuối cùng, nhiều cuộc kiểm tra khác nhau như MRI và sinh thiết bệnh lý đều cho ra cùng một kết quả – ung thư tuyến tụy.
Các bác sĩ cho biết tuyến tụy là cơ quan tiêu hóa chính của cơ thể con người và dịch tụy mà nó tiết ra có chứa nhiều loại enzyme. Ăn quá nhiều sẽ kích thích tiết ra một lượng lớn dịch tụy, khiến áp lực trong ống tụy tăng đột ngột, khiến tuyến tụy bị vỡ. Những enzyme tiêu hóa này xâm nhập vào tuyến tụy và các mô xung quanh và có thể tiêu hóa các mô của chính cơ thể, gây tổn thương và viêm tuyến tụy. Tình trạng viêm mãn tính kéo dài sẽ kích thích sự xuất hiện của ung thư tuyến tụy.
Không những vậy, việc ăn quá nhiều trong thời gian dài còn ảnh hưởng thực sự rất lớn đến cơ thể. Ví dụ, ăn quá nhiều có thể khiến dạ dày to ra và làm tăng bệnh tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ và các nguy cơ mắc bệnh khác.
3. Thi thoảng mới ăn thịt cá nhưng với lượng nhiều
Một số đã quen với chế độ ăn uống nhẹ nhàng, nhưng thỉnh thoảng ăn cá và thịt với lượng lớn thì lại cảm thấy cơ thể rất khó chịu.
Vào tháng 9/2024, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch ở Paris, Pháp đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Nature và nhận thấy rằng so với chế độ ăn nhiều chất béo liên tục, chế độ ăn nhiều chất béo ngắt quãng sẽ đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch! Nói cách khác, khẩu phần ăn hàng ngày rất nhẹ nhàng, nhưng thỉnh thoảng ăn nhiều cá và thịt sẽ thực sự làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa động mạch.
4. Thích ăn đồ muối chua
Dưa chua, hành muối, củ cải muối, ớt ngâm chua, kim chi… được nhiều người thích ăn bởi hương vị giòn, mằn mặn, chua chua kích thích vị giác mà chúng mang lại. Tuy nhiên, năm 2023, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã công bố một nghiên cứu với sự tham gia của 440.000 người trong “Hội đồng Y khoa Nội khoa Anh” cho thấy việc tiêu thụ đồ muối chua thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết và ung thư thực quản.
Những người ăn đồ muối chua 1 đến 3 ngày một tuần có nguy cơ tử vong vì đột quỵ do xuất huyết cao hơn 32% so với những người không ăn. Ngoài ra, việc tiêu thụ đồ muối chua thường xuyên có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn do ung thư đường tiêu hóa, chủ yếu là ung thư thực quản (cao hơn 45%). Một nghiên cứu phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí Cancer vào năm 2020 cho thấy việc ăn đồ muối tăng 40g/ngày có liên quan đến việc tăng 15% nguy cơ ung thư dạ dày.
5. Ăn quá muộn
Mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và sức khỏe không chỉ liên quan đến thành phần mà còn liên quan đến thời gian ăn. Nghiên cứu mới nhất cho thấy ăn bữa sáng và bữa tối có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng như các bệnh về tim mạch và mạch máu não!
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Nature Communications” năm 2023 cho thấy ăn sáng trước 8 giờ sáng và ăn tối trước 8 giờ tối có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch; ngược lại, ăn sáng sau 9 giờ sáng và ăn bữa cuối cùng sau 9 giờ tối có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng thêm 6%.
Cũng trong năm 2023, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế cho thấy so với những người tham gia có thói quen ăn sáng trước 8 giờ sáng, những người tham gia ăn sáng sau 9 giờ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 59%.
Vậy ăn ba bữa một ngày vào thời điểm nào là tốt nhất? Nên ăn sáng trước 8:00, ăn trưa vào khoảng 12:30-13:30 và ăn tối trước 20:00.
Nguồn và ảnh: QQ, Healthline