Mùa nóng thời tiết oi bức có thể gây mất nước và mất cân bằng điện giải dẫn tới táo bón. Theo Sohu, đây là 3 loại rau nhuận tràng cực tốt mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn mùa này.
Mọi người đều cho rằng chuối là thực phẩm giúp nhuận tràng, giảm táo bón nhưng ngoài chuối còn có một số loại rau được mệnh danh là “vua nhuận tràng” khác. Thêm những thực phẩm này vào chế độ ăn nếu đang muốn cải thiện sức khỏe tiêu hóa và đa dạng trong thực đơn ăn uống của mình.
Dưới đây là những thực phẩm giúp nhuận tràng, tốt cho tiêu hóa và một số công thức nấu ăn mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý, nếu từng có tiền sử dị ứng hoặc đang điều trị các vấn đề sức khỏe cần dùng thuốc kê đơn, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng bất kì một thực phẩm hay công thức nấu ăn mới nào.
Táo bón kéo dài có thể cảnh báo một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác chẳng hạn như rối loạn chức năng đường tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích hoặc thậm chí là ung thư đại trực tràng nếu đại tiện phân đen. Nếu táo bón kéo dài và không cải thiện qua việc điều chỉnh lối sống hoặc chế độ ăn, cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. Cần tây giúp nhuận tràng
Cần tây là loại rau quen thuộc đối với nhiều người quan tâm tới công thức giảm cân với cần tây hay công thức nước ép cần tây giúp đẹp da, chống lão hóa… Nhưng bên cạnh những tác dụng này thì cần tây còn được biết đến là một thực phẩm giúp nhuận tràng và giảm táo bón nhờ:
– Chất xơ: Hàm lượng chất xơ không hòa tan cao trong cần tây giúp tăng khối lượng phân và kích thích nhu động ruột, từ đó giúp phân di chuyển dễ dàng hơn qua đường tiêu hóa.
– Nước: Cần tây chứa một lượng lớn nước, có thể giúp làm mềm phân và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
– Hợp chất hóa học: Cần tây chứa các hợp chất như apigenin và luteolin có thể giảm viêm và cải thiện sức khỏe đường ruột.
Để hỗ trợ tốt cho việc giảm táo bón, bạn nên bổ sung cần tây vào chế độ ăn hàng ngày dưới dạng salad, nước ép hoặc món ăn nấu chín.
Gợi ý công thức bánh gà hấp cần tây
Chuẩn bị: 200 gam cần tây, 100 gam cà rốt, 3 quả trứng, hành lá xắt nhỏ, bột nêm cốt gà, bột ngũ vị hương, nước tương hoặc muối, bột mì, gia vị khác để chấm.
Cách thực hiện:
– Rửa sạch cần tây, cà rốt và cắt nhỏ sau đó cho vào nồi nước đun sôi chần sơ tới khi chín rồi vớt ra để ráo nước và chờ nguội.
– Sau đó cho cần tây, cà rốt đã cắt nhỏ vào bát lớn, thêm trứng, hành lá, gia vị vào trộn đều. Từ từ thêm bột mì và nước vào tới khi có được hỗn hợp sệt.
– Cho hỗn hợp cần tây và cà rốt đã trộn vào bát và cho vào nồi hấp tới khi chín là được.
2. Rau muống
Rau muống cũng rất phổ biến trong các gia đình Việt, từ rau muống xào, rau muống làm nộm tới bát canh rau muống luộc với cà dầm đưa cơm trong mùa nóng. Ít ai biết, ngoài giàu chất sắt thì giàu muống còn rất giàu vitamin A, vitamin C, vitamin K, chất xơ, canxi, magie cùng các khoáng chất khác đều có tác dụng nhuận tràng, dưỡng ẩm đường ruột.
Trong đó, ăn rau muống có thể giúp cung cấp chất xơ và dưỡng chất cần thiết, từ đó cải thiện chức năng nhu động ruột và giảm táo bón.
Gợi ý cách làm rau muống xào tỏi thơm ngon tại nhà
Để xào rau muống ngon tại nhà, bạn có thể làm theo các bước sau đây:
Chuẩn bị: 300 gam rau muống tươi, chọn rau muống có màu xanh tươi, không úa vàng hay thối hỏng lá; tỏi băm vừa phải; muối; dầu ăn; hạt tiêu; ớt cay nếu thích…
Cách thực hiện:
– Sơ chế rau: Rửa sạch rau muống, nhặt bỏ lá vàng và ngọn rau quá non, sau đó cắt khúc vừa ăn. Băm nhỏ tỏi, cắt lát ớt.
– Phi thơm tỏi: Làm nóng chút dầu ăn trong chảo, sau đó phi tỏi đến khi tỏi có màu vàng nhẹ và thơm.
– Xào rau muống: Tăng lửa lên mức cao nhất, cho rau muống vào chảo và đảo nhanh tay. Nếu thích, bạn có thể thêm vài lát ớt vào lúc này.
– Nêm gia vị: Thêm một chút muối hoặc nước mắm vào để nêm nếm rau muống cho vừa ăn.
– Đảo đều: Tiếp tục đảo đều tay cho đến khi rau muống chín tới nhưng vẫn giữ được màu xanh đẹp mắt và độ giòn.
– Tắt bếp và thưởng thức: Khi rau muống đã chín, hãy tắt bếp ngay để tránh làm rau chín quá và mất đi vị ngon. Cho rau ra đĩa và thưởng thức khi còn nóng.
Lưu ý không nên xào rau muống quá lâu vì sẽ làm mất đi kết cấu giòn và màu sắc đẹp của rau. Chúc bạn thành công và có một bữa ăn ngon miệng với rau muống xào!
3. Bí ngô
Tưởng như đây là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe mùa lạnh nhưng bí ngô cũng rất phổ biến để bảo vệ mắt (nhờ beta-carotene), chống lão hóa và và hệ tiêu hóa trong mùa hè.
Bí ngô giàu pectin, một chất xơ hòa tan trong nước được ví như một nhà vô địch về tác dụng hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa. Pectin giúp tăng khối lượng phân và hỗ trợ nhu động ruột khỏe mạnh, từ đó giúp phân di chuyển dễ dàng hơn qua ruột và giảm táo bón.
Ngoài ra, hàm lượng nước cao trong bí ngô cũng giúp phân mềm hơn. Kết hợp với vitamin A, vitamin C và vitamin E cùng các khoáng chất như kali, magie có tác dụng chống oxy hóa và hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh hơn, tạo điều kiện nâng cao hệ miễn dịch tổng thể.
Bí ngô có thể được ăn theo nhiều cách chẳng hạn như hấp, nướng hoặc nấu súp, canh xương bí ngô.
Gợi ý cách nấu canh bí ngô đơn giản tại nhà
Chuẩn bị: 300 gam thịt (hoặc ít hơn), một miếng bí ngô vừa phải (cỡ 500 gam nếu sử dụng 300 gam thịt), hành, tỏi, hành lá, dầu ăn, gia vị nêm nếm.
Cách thực hiện:
– Sơ chế thịt băm nhỏ hoặc thịt thái lát tùy theo sở thích. Bí ngô đem gọt vỏ, bỏ ruột và hạt rồi rửa sạch, cắt thành miếng vuông để khi nấu không bị nát.
– Cho dầu vào nồi, phi thơm hành tỏi rồi cho thịt vào xào, nêm một chút gia vị để thịt đậm đà hơn. Sau đó thêm nước vào đun sôi.
– Khi nước sôi và thịt chín, bạn cho bí ngô đã cắt sẵn vào đun tới khi bí ngô mềm chín thì thêm gia vị theo sở thích.
– Tắt bếp, thêm hành lá đã cắt nhỏ lên trên để trang trí cho đẹp mắt rồi múc canh ra tô và ăn khi còn nóng.
Nhìn chung, vào mùa nóng, ngoài có chế độ ăn tăng cường các thực phẩm nhuận tràng để ngăn ngừa táo bón và chống mất nước thì bạn cũng cần:
+ Uống nhiều nước: Đây là biện pháp quan trọng nhất để giữ cho cơ thể không bị mất nước và hỗ trợ tiêu hóa.
+ Vận động: Hoạt động thể chất giúp tăng cường nhu động ruột và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
+ Tránh các thức uống có cồn và caffein: Chúng có thể gây mất nước và làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.
+ Thường xuyên ăn các bữa ăn nhỏ: Điều này có thể giúp hệ tiêu hóa không phải làm việc quá sức.
Nếu tình trạng táo bón kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp.