Công nghệ thực phẩm phát triển, sự ra đời của hạt nêm khiến món ăn thơm ngon hơn. Tuy nhiên, việc lạm dụng gia vị này tiềm ẩn mối nguy với sức khỏe.
Nội dung chính
- Thành phần của hạt nêm.
- Sai lầm khi dùng hạt nêm.
- Cách dùng hạt nêm đúng.
Gia vị tạo nên cảm giác ngon miệng cho các món ăn. Tuy nhiên, sử dụng gia vị sai cách có thể tiềm ẩn mối nguy bệnh tật cho cả gia đình. Do đó, hiểu đúng về gia vị là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
Hạt nêm là loại gia vị có mặt tại thị trường Việt Nam vào những năm 2000. Và hiện nay, hạt nêm ngày càng trở lên phổ biến trong việc chế biến món ăn. Nhờ có vị ngon, ngọt, đậm đà mà loại gia vị này ngày càng được yêu thích. Thậm chí một số bà nội trợ còn lựa chọn hạt nêm thay thế hoàn toàn cho bột canh và mì chính.
Trong hạt nêm có gì?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ thực phẩm, cho biết trong hạt nêm thường có các thành phần như muối, chất điều vị, bột chất đạm, bột của các loại rau, củ…
Hạt nêm có rất nhiều vị như vị thịt lợn, thịt gà, nấm… Tùy theo khẩu vị, mỗi người sẽ chọn gia vị yêu thích nêm vào món ăn.
“Trước kia, hạt nêm phần lớn phải nhập khẩu từ Nhật. Tuy nhiên, khi công nghệ thực phẩm phát triển, hiện nay, Việt Nam có thể tự sản xuất hạt nêm phục vụ nhu cầu trong nước. Hạt nêm là gia vị cho vào để tạo nên sự đậm đà cho món ăn nên được nhiều bà nội trợ ưa chuộng”, PGS Thịnh cho hay.
Theo PGS Thịnh, hạt nêm có thành phần là muối, do vậy khi dùng hạt nêm mà vẫn thêm muối, nước mắm thì nguy cơ ăn mặn là rất cao.
“Muối trong hạt nêm ngoài tác dụng tạo ra vị mặn còn có tác dụng bảo vệ tránh hỏng. Do vậy, khi dùng quá nhiều hạt nêm sẽ trở thành ăn mặn”, PGS Thịnh nói.
Lạm dụng hạt nêm đồng nghĩa với ăn mặn
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Dinh dưỡng người lớn, Viện dinh dưỡng Quốc gia, cho biết nhiều người “sợ” vị mặn nên chuyển sang dùng hạt nêm thay vì muối mà không hề biết trong hạt nêm vẫn chứa muối.
So với muối thì hạt nêm chứa hàm lượng muối (natri) ít hơn. Tuy nhiên, nhiều người Việt nghĩ hạt nêm ít natri hơn nên dùng một cách vô tư, vô tình đưa muối vào cơ thể quá nhiều.
Theo bác sĩ Hưng, việc sử dụng quá nhiều muối, gia vị chứa muối và các thực phẩm chứa muối gắn liền với nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, bệnh lý dạ dày…
Dùng hạt nêm đúng cách
Bác sĩ Hưng cho rằng để sử dụng hạt nêm an toàn thì phải kiểm soát tổng lượng muối đưa vào cơ thể. Theo đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị một người chỉ nên dùng dưới 5g muối/ngày (gần 1 muỗng cà phê). Lưu ý: Muối có trong cả các gia vị và thực phẩm chứa muối.
Khi sử dụng hạt nêm, mọi người phải có thói quen đọc nhãn mác, thành phần để xác định lượng muối. Ngoài ra, người dân cần chú ý tới nguồn gốc của sản phẩm, chỉ nên mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không dùng các loại hạt nêm bán theo cân, không rõ nhãn mác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Mọi người cũng chỉ nên dùng hạt nêm ở lượng ít (giảm dần lượng hạt nêm vì người Việt vẫn đang ăn nhiều muối hơn so với khuyến cáo), không cho hạt nêm vào các món luộc để giảm lượng muối đưa vào cơ thể.