Ngừng ăn thịt có thể cải thiện một số tình trạng như viêm, tốt cho hệ tiêu hoá, giảm cân,… nhưng chế độ ăn này có thể gây ra một nhược điểm.
Tiêu thụ nhiều thịt có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, một số bệnh ung thư và tiểu đường loại 2. Do vậy, mọi người đang dần chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật hơn, vừa cải thiện sức khoẻ lại phòng được nhiều bệnh tật.
Tuy nhiên, loại bỏ thịt hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống có tốt không? Điều gì xảy ra khi bạn ngừng ăn thịt?
1. Giảm tình trạng viêm trong cơ thể
Theo Webmd, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn đều chứa nhiều chất béo bão hòa và có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm liên tục. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh khác. Thịt chế biến bao gồm thịt xông khói, thịt nguội và xúc xích. Thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt lợn và thịt cừu.
Ngược lại, chế độ ăn dựa trên thực vật có khả năng chống viêm một cách tự nhiên. Vì thực vật có nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng thực vật khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không ăn thịt có thể làm giảm đáng kể mức protein phản ứng C (CRP), một dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm trong cơ thể.
2. Giảm mức cholesterol trong máu
Cholesterol trong máu tăng cao là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch – tình trạng này có thể dẫn đến bệnh động mạch vành (CAD), đau tim, đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) và bệnh động mạch ngoại biên.
Chất béo bão hòa – chủ yếu được tìm thấy trong thịt, thịt gia cầm, pho mát và các sản phẩm động vật khác – đây là nguyên nhân chính gây ra mức cholesterol trong máu cao.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi mọi người ăn thực vật, mức cholesterol trong máu của họ giảm tới 35%. Lý do là vì thực vật ít chất béo bão hòa, không chứa cholesterol và giàu chất xơ.
3. Thay đổi hệ vi sinh vật trong cơ thể
Hàng nghìn tỷ vi sinh vật sống trong cơ thể chúng ta được gọi chung là microbiome. Trong đó có nhiều vi sinh vật có lợi đối với sức khoẻ như: giúp tiêu hoá thức ăn, rèn luyện hệ thống miễn dịch, bật và tắt gen, giữ cho mô ruột của chúng ta khỏe mạnh và giúp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh ung thư.
Các nghiên cứu cũng cho thấy những vi sinh vật có lợi có vai trò trong việc phòng ngừa bệnh béo phì, tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh tự miễn, bệnh viêm ruột và bệnh gan.
Thực phẩm từ nguồn thực vật rất giàu chất xơ nên có thể giúp hình thành hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh. Trong khi đó, chế độ ăn ít chất xơ (chẳng hạn như chế độ ăn nhiều thịt) có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi những người ăn tạp ăn choline hoặc Carnitine (có trong thịt, gia cầm, hải sản, trứng và sữa), vi khuẩn đường ruột sẽ tạo ra một chất được gan của chúng ta chuyển hóa thành một sản phẩm độc hại gọi là TMAO. TMAO làm trầm trọng thêm các mảng cholesterol trong mạch máu của chúng ta và làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
4. Giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2
Protein động vật, đặc biệt là thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2.
Tại sao ăn thịt có thể gây ra bệnh tiểu đường loại 2? Một số lý do như mỡ động vật, chất sắt (heme) có nguồn gốc từ động vật và chất bảo quản nitrat trong thịt đã được phát hiện là có thể gây tổn hại tế bào tuyến tụy, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm, gây tăng cân và làm suy giảm chức năng insulin của chúng ta.
Để giảm nguy cơ loại bệnh này, bạn nên ưu tiên chế độ ăn giàu thực vật và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế thịt và các loại thịt chế biến sẵn.
5. Cải thiện tâm trạng và giấc ngủ
Chế độ ăn chủ yếu bao gồm thịt, gia cầm và cá có thể chứa nhiều axit arachidonic, một chất béo omega-6 không bão hòa đa gây viêm. Nghiên cứu cho thấy rằng việc hấp thụ nhiều axit arachidonic sẽ thúc đẩy những thay đổi trong não và thực sự có thể làm xáo trộn tâm trạng của bạn.
Trong khi đó, ăn nhiều thực vật hơn có thể mang lại cho bạn cảm giác sảng khoái. Đặc biệt, hàm lượng isoflavone cao trong chế độ ăn giàu thực vật có thể góp phần nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Isoflavone là hợp chất thực vật chủ yếu được tìm thấy trong đậu nành và những người ăn chế độ ăn giàu isoflavone được quan sát thấy có chất lượng giấc ngủ tốt hơn và thậm chí giảm các triệu chứng trầm cảm.
6. Giảm tính axit trong cơ thể
Cơ thể khỏe mạnh cần có độ pH cân bằng tốt. Nhưng phần lớn chế độ ăn uống tiện lợi hiện đại ngày nay chứa nhiều các loại thực phẩm tạo axit, bao gồm cả thịt đỏ.
Thịt đỏ tạo ra lượng axit cao để cơ thể hấp thụ và trung hòa. Thêm vào đó, độ axit cao trong cơ thể tạo ra môi trường “hoàn hảo” cho bệnh tật. Cộng thêm căng thẳng và mất ngủ, bạn sẽ giảm khả năng chống lại các bệnh có tỷ lệ tử vong cao như ung thư và tiểu đường.
7. Giảm cân
Thịt đỏ chứa nhiều calo. Do vậy, cắt bớt thịt khỏi chế độ ăn uống có thể hỗ trợ giảm cân. Hầu hết các phần thịt đều nhiều hơn nhu cầu protein thực tế. Một khẩu phần thịt bò nặng 84g có thể chứa khoảng 170 calo, tuy nhiên tương đường với một khẩu phần như vậy, đậu chỉ chứa khoảng 100 calo và đậu phụ có thể chứa khoảng 70 calo.
8. Giảm năng lượng và thiếu một số chất dinh dưỡng
Cắt bỏ thịt khỏi chế độ ăn uống được cho là có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, thịt đỏ rất giàu chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm protein, kẽm, sắt và vitamin B. Do vậy, khi hạn chế ăn thịt có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng do thiếu protein và sắt và thiếu hụt một số chất dinh dưỡng.
Cơ thể hấp thụ nhiều chất sắt từ thịt hơn các loại thực phẩm khác, nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất của bạn. Bạn cũng có thể tìm thấy chất này trong các loại rau lá xanh như rau bina, cũng như ngũ cốc, bánh mì và mì ống giàu chất sắt.
Bạn cũng có thể bổ sung protein qua trứng, đậu, đậu Hà Lan, đậu lăng, các loại hạt và các sản phẩm từ đậu nành.
Nhìn chung, bạn có thể không cần cắt bỏ hoàn toàn thịt khỏi chế độ ăn uống nếu bạn không theo chế độ ăn chay. Nhưng hạn chế thịt đỏ và bổ sung rau củ quả nhiều hơn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn đối với sức khoẻ, phòng ngừa được nhiều bệnh tật, trong đó có cả ung thư.