Gia vị là một phần không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình. Tuy nhiên, sử dụng gia vị không đúng cách có thể dẫn đến những nguy cơ sức khỏe tiềm tàng mà không phải ai cũng nhận ra.
1. Gia vị và nguy cơ sức khỏe?
Gia vị như muối, đường, dầu hào, nước tương, giấm… không chỉ làm tăng hương vị cho món ăn mà còn trở thành phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực. Tuy nhiên, gần đây, nhiều thông tin cho rằng một số loại gia vị không tốt cho sức khỏe khiến không ít người hoang mang.
Trên thực tế, việc lạm dụng quá nhiều gia vị có thể đem tới những ảnh hưởng tiêu cực sau đây:
Tăng nguy cơ béo phì
Gia vị chứa lượng lớn natri và đường, có thể kích thích vị giác và khiến chúng ta ăn nhiều hơn mức cần thiết. Đặc biệt, đường dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ, làm tăng nguy cơ béo phì, một vấn đề sức khỏe phổ biến hiện nay.
Nguy cơ bệnh tim mạch
Natri trong muối và các loại gia vị khác nếu tiêu thụ quá mức sẽ làm tăng áp lực máu, gây ra hiện tượng giữ nước trong cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đột quỵ, hoặc thậm chí là suy tim.
Natri trong muối và các loại gia vị khác sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu tiêu thụ quá mức.
Suy giảm chức năng cơ và thần kinh
Lạm dụng gia vị không chỉ gây mất cân bằng điện giải trong cơ thể mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của cơ bắp và thần kinh. Việc tiêu thụ natri quá nhiều có thể làm mất đi các khoáng chất quan trọng như kali và magiê, gây rối loạn nhịp tim hoặc chuột rút cơ.
2. Bảo quản gia vị không đúng cách: Yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư, gây hại sức khỏe
Điều đáng lo ngại hơn là cách bảo quản các loại gia vị. Một số loại khi bảo quản ở nhiệt độ thường, trong điều kiện ẩm ướt có thể bị mốc và sinh ra aflatoxin, một chất có khả năng gây ung thư cao.
Do đó, với các loại gia vị khác nhau, mọi người nên lưu ý những điều sau:
Dấm là một dung môi có khả năng hòa tan các chất độc hại từ vật liệu đựng, do đó cần được bảo quản cẩn thận. Cách tốt nhất là sử dụng các lọ thủy tinh để lưu trữ, giúp đảm bảo an toàn và chất lượng của dấm trong quá trình sử dụng.
Hạt tiêu rất dễ bị mốc hoặc mất mùi nếu bảo quản không đúng cách. Vì thế, với hạt tiêu khô, cần bảo quản hạt tiêu ở nơi khô ráo, thoáng mát, nên đựng trong lọ thủy tinh có nắp kín, có thể sử dụng trong 2-3 năm mà không lo mất chất lượng. Sau khi xay, hạt tiêu chỉ giữ được mùi vị tốt nhất trong vài tháng. Vì vậy, nên xay một lượng nhỏ vừa đủ dùng và bảo quản trong lọ thủy tinh kín để hạn chế mùi thơm bay đi.
Cần bảo quản các loại gia vị đúng cách để tránh làm ảnh hưởng chất lượng, sinh ra ẩm mốc và các chất độc hại cho sức khỏe.
Để gừng và sả tươi lâu, bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh. Trước khi cất, cần bọc gừng và sả bằng giấy bạc, màng bọc thực phẩm hoặc khăn vải, sau đó cho vào túi nilon kín trước khi đặt vào ngăn mát. Với cách làm này, gừng và sả có thể giữ được độ tươi và dưỡng chất trong vòng 2 tháng.
Để bảo quản ớt tươi lâu, hãy làm sạch và để ráo nước sau khi cắt bỏ cuống. Sau đó, cho ớt vào hộp đậy kín và đặt trong ngăn đá tủ lạnh. Khi sử dụng, chỉ cần lấy ớt ra rửa lại với nước để ớt mềm trở lại. Đây là cách hiệu quả nhất để giữ ớt tươi lâu và không mất đi hương vị.
3. Làm thế nào để sử dụng gia vị một cách an toàn và hiệu quả? Thực hiện ngay 3 điều sau đây
Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn gia vị khỏi bữa ăn hàng ngày, nhưng chúng ta có thể thực hiện một số điều chỉnh để giảm thiểu nguy cơ sức khỏe.
Kiểm tra hạn sử dụng
Gia vị hết hạn hoặc gần hết hạn có thể gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hãy luôn kiểm tra hạn sử dụng và nhãn mác trước khi mua. Sau khi mở nắp, bạn nên sử dụng trong thời gian khuyến nghị để đảm bảo chất lượng.
Chúng ta có thể thực hiện một số điều chỉnh khi sử dụng gia vị để giảm thiểu nguy cơ sức khỏe.
Giảm lượng gia vị sử dụng
Giảm muối bằng cách chọn loại muối ít natri hoặc muối biển để giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Giảm đường thông qua việc thay thế đường tinh luyện bằng các loại đường tự nhiên như mật ong hoặc đường dừa.
Hạn chế dùng bột ngọt mà hãy sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như nấm hương, cà chua để tăng vị ngọt tự nhiên cho món ăn.
Ưu tiên gia vị tự nhiên như sử dụng các loại thảo mộc như hành, tỏi, gừng, sả để tăng hương vị thay vì phụ thuộc vào gia vị công nghiệp.
Lưu ý trong quá trình đun nấu
Tránh nấu quá lâu với gia vị vì đun nấu ở nhiệt độ cao quá lâu có thể làm mất đi dinh dưỡng và tạo ra các chất không tốt cho sức khỏe. Đồng thời, sử dụng ít dầu mỡ hơn, chẳng hạn thay vì chiên xào, bạn có thể chọn các phương pháp nấu ăn lành mạnh hơn như hấp, luộc hoặc nướng.
Lời kết
Gia vị là “linh hồn” của ẩm thực, nhưng việc sử dụng không đúng cách có thể biến chúng thành mối nguy hại cho sức khỏe. Hiểu rõ cách sử dụng và bảo quản gia vị không chỉ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình mà còn góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày.
(*Nguồn: Sohu, Aboluowang…)