Thêm một số món ăn quen thuộc vào khẩu phần hằng ngày có thể giúp bạn chống lại bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học Nutrition & Diabetes bởi nhóm tác giả từ Đại học Queen’s Belfast (Anh) và Đại học Oxford (Mỹ) chỉ ra một số tác dụng đặc biệt của flavonoid lên các cơ chế liên quan đến bệnh tiểu đường type 2.
Theo các tác giả, bệnh tiểu đường type 2 từ lâu đã trở thành một mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng vì tỷ lệ lưu hành ngày càng tăng trên toàn thế giới.
Hiện nay, có khoảng 415 triệu người sống chung với bệnh tiểu đường và hơn 4 triệu ca tử vong liên quan đến tình trạng này trên toàn cầu.
Tuy vậy, một số yếu tố nguy cơ của căn bệnh này có thể thay đổi được thông qua chế độ ăn uống. Trong đó, chế độ ăn với lượng thực vật cao hơn được biết đến là có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Các nhà khoa học tin rằng phần lớn là do thực vật chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học tốt cho sức khỏe thuộc nhóm polyphenolic. Trong số đó, một nhóm nhỏ hơn là flavonoid từng được biết đến là có tác động lên một số cơ chế chuyển hóa.
Trong nghiên cứu này, các tác giả đã tìm hiểu mối liên quan giữa chế độ ăn giàu flavonoid và bệnh tiểu đường type 2 trên bộ dữ liệu chi tiết của 113.097 người, được thu thập bởi Biobank (ngân hàng dữ liệu sinh học của Anh).
Khẩu phần ăn hằng ngày của họ được phân tích bằng cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ để tính toán lượng flavonoid tiêu thụ.
Trong thời gian theo dõi trung bình 12 năm, có 2.628 người đã khởi phát bệnh tiểu đường type 2. Phân tích kỹ hơn cho thấy những người tiêu thụ lên đến 6 phần thực phẩm giàu flavonoid mỗi ngày có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 thấp hơn tới 28% so với những người chỉ tiêu thụ 1 phần mỗi ngày.
Tiêu thụ một khẩu phần thực phẩm giàu flavonoid thực ra không phải điều phức tạp. Bạn có thể uống một tách trà, ăn một quả táo hay một chén rau xanh trong bữa ăn.
Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), nguồn flavonoid được nhiều người dân trên thế giới tiếp cận nhất là trà và rượu vang.
Ngoài ra, flavonoid cũng dồi dào trong các loại rau lá, hành tây, táo, quả mọng (dâu, nho, việt quất, phúc bồn tử, cherry…), đậu nành, ca cao, trái cây có múi (cam, quýt, bưởi…)….
Phân tích dựa trên một số thực phẩm cụ thể cho thấy chỉ cần thường xuyên uống trà đen hoặc trà xanh cũng giúp giảm 21% nguy cơ tiểu đường. Chỉ riêng quả mọng giúp giảm 15%, táo là 12%.
Flavonoid giúp người ăn dễ dàng kiếm soát trọng lượng cơ thể, tăng độ nhạy insulin, giảm tình trạng kháng insulin, cải thiện thành phần mỡ máu, giảm viêm cơ bản, cải thiện chức năng thận và gan… đều là những yếu tố liên quan đến bệnh tiểu đường type 2.
Kết quả này cũng trùng khớp với một số nghiên cứu dạng quan sát trước đây cho thấy các món giàu flavonoid cũng giúp người đang bị tiểu đường type 2 kiểm soát căn bệnh tốt hơn.