Nước mía và nước dừa là hai loại nước được nhiều người yêu thích, vậy nhưng uống nước mía hay nước dừa tốt hơn?
Tác dụng của nước dừa
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medaltec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, nước dừa là nguồn nước tinh khiết nhất, là chất lỏng trong suốt hoặc hơi đục, nằm trong phần ruột rỗng của dừa. Loại nước này được con người khai thác để sử dụng như một thứ nước giải khát từ thiên nhiên. Nước dừa vị thơm bùi đặc trưng, vị ngọt thanh mát. Cần phân biệt nước dừa và nước cốt dừa vì nước cốt dừa là phần nước và dầu béo được tinh chế từ phần cơm dừa.
Người ta ưa chuộng nước dừa không chỉ vì hương vị thơm ngon của nó mà còn nhờ giá trị dinh dưỡng do nó đem lại. Đặc biệt ở những vùng có khí hậu nhiệt đới nắng nóng, bên cạnh nước dừa tinh khiết được lấy ra từ những trái dừa tươi xanh, người dân còn uống nước dừa được sản xuất theo dạng lon hoặc đóng chai. Ngoài công dụng giải khát, loại nước này còn được dùng thay thế cho chất bù điện giải, dùng làm thuốc và sử dụng trong làm đẹp, nấu ăn.
Tác dụng của nước mía
Báo Vietnamnet dẫn nguồn trang Webmd cho biết, theo tiến sĩ Rajeev Singh (Ấn Độ) nước mía có những tác dụng dưới đây:
Chống lại ung thư: Ung thư có thể là kết quả của tổn thương do các gốc tự do trong cơ thể gây ra. Nước mía chứa lượng lớn canxi, sắt, kali, magie, mangan và chất chống oxy hóa. Uống nước mía có thể cung cấp đủ chất chống oxy hóa và khoáng chất để loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể, chống lại ung thư, đặc biệt là ung thư da, vú và tuyến tiền liệt.
Hỗ trợ điều trị táo bón: Nước mía có đặc tính nhuận tràng, hỗ trợ nhu động ruột khỏe mạnh, giúp hệ tiêu hóa hoạt động bình thường và giảm bớt các vấn đề về dạ dày.
Tốt cho gan: Uống nước mía có thể làm mát dạ dày và giảm bệnh vàng da. Ngoài ra, nước mía còn điều chỉnh nồng độ bilirubin trong gan, giảm áp lực và tăng cường chức năng của gan.
Tăng cường chức năng thận: Nước mía có đặc tính lợi tiểu, làm sạch và thông đường tiết niệu. Uống nước mía có thể giảm cảm giác nóng rát liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ngoài ra, mía chứa canxi, magie và sắt tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể, chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn.
Uống nước mía tốt hơn hay nước dừa tốt hơn?
Báo VnExpress dẫn lời Lương y Bùi Đắc Sáng – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, nước dừa và nước mía sẽ có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuỳ từng trường hợp bạn có thể cân nhắc lựa chọn uống nước dừa hoặc nước mía,
Về nước mía, lương y Sáng cho biết, đối với người bình thường, uống nhiều dễ dẫn đến tăng cân. Người bệnh nền như tiểu đường, mỡ máu, gout cần hạn chế. Mẹ bầu không nên uống quá nhiều làm tăng nguy cơ tiểu đường. Nếu đang sử dụng các loại thuốc như thuốc bổ sung, chống đông máu, không nên uống. Uống nước mía vỉa hè có nguy cơ nhiễm khuẩn, từ khâu vệ sinh cây mía, máy ép, cốc đựng…
Còn nước dừa là thức uống giải nhiệt hiệu quả, cung cấp điện giải, bổ sung nước, cân bằng nước trong cơ thể, giúp đẹp da. Những người bị mất nước do tiêu chảy, nôn ói, say nắng nên uống nước dừa để bù dưỡng chất hiệu quả. Một cốc nước dừa 240 ml cung cấp khoảng 46 calo, 10 g đường tự nhiên, ít protein và không có chất béo.
Tuy nhiên, nước dừa rất giàu kali, uống quá nhiều có thể làm giảm huyết áp, mất cân bằng điện giải, gây các vấn đề về thận. Người có lượng kali cao trong máu, mắc bệnh thận không nên uống. Người tiểu đường thường rối loạn dung nạp đường máu, cũng không nên uống nhiều nước dừa.
Bạn có thể uống thức uống mà mình yêu thích, nhưng không nên lạm dụng uống nước mía hay nước dừa mỗi ngày, thay cho nước lọc. Nên luân phiên thay đổi bằng các nước hoa quả khác nhau như cam, ổi, chanh leo, dưa hấu… và nên ưu tiên nước lọc.