Hãy cùng khám phá những lợi ích bất ngờ đối với sức khỏe của loại hoa này nhé!
Loại hoa đang được nhắc tới chính là hoa hồi hay còn gọi là đại hồi! Sở dĩ hoa hồi được coi là “báu vật” trời ban vì rất ít quốc gia trên thế giới có thể trồng được loại cây này. Theo Hiệp hội Gia vị Thế giới, hồi là cây gia vị quý hiếm, hầu như chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc.
Hoa hồi được sử dụng làm gia vị cho nhiều món ăn khác nhau, điển hình là phở – món ngon trứ danh của Việt Nam. Loại hoa này cũng được dùng là một vị thuốc trong y học cổ truyền từ nhiều thế kỷ.
Theo Đông y, hoa hồi có vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào 4 kinh can, thận, tỳ, vị, có tác dụng trừ hàn, khai vị, kiện tỳ, chống nôn, chỉ thống, trừ phong, sát trùng. Còn khoa học hiện đại cũng đã tìm ra hàng loạt đặc tính quý báu của loại hoa này đối với việc phòng ngừa, điều trị nhiều loại bệnh tật.
Lợi ích của hoa hồi đã được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học
Kháng virus
Một trong những tác dụng của hoa hồi là tác dụng kháng virus. Một nghiên cứu đăng tải trên Phytotherapy Research vào năm 2020 đã chỉ ra axit shikimic, một hợp chất hóa học có trong hoa hồi, có tác dụng kháng một số loại virus cúm. Hợp chất này cũng đã được sử dụng để sản xuất Tamiflu, một loại thuốc điều trị bệnh cúm.
Ngoài ra, nghiên cứu này cũng cho thấy tinh dầu hoa hồi có tác dụng chống lại virus herpes simplex (loại virus có khả năng gây nhiễm trùng tái phát ảnh hưởng đến da, miệng, môi, mắt và bộ phận sinh dục…).
Kháng khuẩn
Không chỉ kháng virus, hoa hồi còn có tác dụng chống lại nhiều loại vi khuẩn khác nhau.
Một nghiên cứu đăng tải trên BioMed Research International vào năm 2021 cho thấy nước súc miệng có tinh chất hoa hồi có thể chống lại các vi khuẩn gây bệnh răng miệng. Một nghiên cứu khác được thực hiện trên chuột cho thấy chiết xuất hoa hồi có tác dụng chống lại nhiễm trùng da do tụ cầu.
Theo thông tin từ chuyên trang sức khỏe Health, các nghiên cứu trong ống nghiệm đã phát hiện hoa hồi có tác dụng chống lại nhiều loại vi khuẩn gây bệnh có trong thực phẩm, ví dụ như E. coli và S. aureus.
Kháng nấm
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được đăng tải trên Journal of the Saudi Society of Agricultural Sciences vào năm 2016 cho thấy tinh dầu hoa hồi có đặc tính chống oxy hóa và kháng nấm.
Nghiên cứu khác đăng tải trên Food Research International vào năm ngoái đã gợi ý hoa hồi có thể được sử dụng như 1 chất bảo quản tự nhiên để kéo dài thời hạn sử dụng của bánh mì nhờ vào đặc tính kháng nấm của nó.
Điều hòa đường huyết
Bên cạnh tác dụng kháng virus, kháng khuẩn và kháng nấm, hoa hồi còn được chứng minh có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu. Ví dụ, một nghiên cứu trên chuột được đăng tải trên Cardiovascular and Hematological Disorders – Drug Targets vào năm 2023 đã chứng minh điều này.
Giảm mỡ máu
Một số nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra các hợp chất hóa học có trong hoa hồi có thể giảm mỡ máu xấu, chống tăng cân và phòng ngừa bệnh béo phì.
Ví dụ, một nghiên cứu được đăng tải trên Antioxidants (Basel) vào năm 2022 cho thấy việc sử dụng trà hoa hồi có tác dụng chống tăng cân ở những con chuột được cho ăn nhiều đường và chất béo. Đồng thời, dùng trà hoa hồi cũng giúp giảm triglyceride, cholesterol toàn phần, cholesterol “xấu” – LDL ở những con vật này. Các nhà khoa học cho rằng, các hợp chất hóa học của hoa hồi đã giúp giảm sự tích tụ chất béo, đồng thời ức chế sự hoạt động của các enzyme tham gia vào quá trình tiêu hóa chất béo, chẳng hạn như lipase.
Giảm lo lắng
Một nghiên cứu được thực hiện trên chuột, đăng tải trên Phytotherapy Research vào năm 2016, cho thấy hoạt chất anethole trong hoa hồi có thể giúp giảm lo lắng.
Lưu ý khi dùng hoa hồi
Hoa hồi chứa nhiều chất có đặc tính chống oxy hóa, kháng virus và chống viêm. Tuy nhiên, các nghiên cứu về lợi ích tiềm năng của hoa hồi đối với sức khỏe hầu như chỉ được thực hiện trên động vật hoặc trong phòng thí nghiệm. Cần có thêm các nghiên cứu trên người để khẳng định các lợi ích này.
Việc sử dụng hoa hồi trong ẩm thực cần dùng với lượng vừa phải, tránh dùng quá thường xuyên. Đặc biệt, những người bị dị ứng với hoa hồi, trẻ em và phụ nữ mang thai, người đang sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc làm loãng máu, thuốc hạ đường huyết nên thận trọng khi sử dụng hoa hồi để tránh các tác dụng phụ.
Nếu muốn sử dụng hoa hồi làm thuốc hoặc làm trà, cần có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng.