Chúng bao gồm các loại nước ngọt ăn kiêng, bánh và ngũ cốc đóng gói, một số loại sữa chua… được dán nhãn là “ăn kiêng”
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học Journal of the Academy of Nutrition and Dietetics cảnh báo một số thực phẩm siêu chế biến (UPF) vẫn có thể làm tăng đường huyết kéo dài ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Chúng bao gồm các loại nước ngọt ăn kiêng, bánh và ngũ cốc đóng gói, một số loại sữa chua… được dán nhãn là “ăn kiêng”, không đường.
Trong thí nghiệm, 273 tình nguyện viên mắc bệnh tiểu đường type 2 được ăn theo chế độ khác nhau trong 24 giờ và xét nghiệm máu đo HbA1C, là chỉ số phản ánh đường huyết. Các tác giả từ Đại học Texas ở Austin (Mỹ) đã phát hiện ra rằng số gam UPF mà các tình nguyện viên tiêu thụ trong ngày càng nhiều, khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể càng kém đi.
Một chế độ ăn có 10% là UPF có liên quan đến mức HbA1C cao hơn trung bình 0,28 điểm %. Ngược lại, tăng thêm chỉ 10% thực phẩm tươi hoặc được chế biến sẵn ở mức tối thiểu giúp mức HbA1C thấp hơn trung bình 0,30 điểm %. Để đạt được mức HbA1C dưới 7 – là mức tốt ở bệnh nhân tiểu đường – họ không được tiêu thụ quá 18% lượng thực phẩm trong ngày là UPF.
Theo các tác giả, các chất phụ gia chính là nguyên nhân khiến UPF – dù được quảng cáo là không đường hay ít muối – khiến bệnh nhân tiểu đường type 2 khó kiểm soát bệnh. Từng có các nghiên cứu cho thấy các chất phụ gia của UPF làm rối loạn sự trao đổi chất trong cơ thể. Chưa kể, một báo cáo lớn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố giữa năm 2023 cảnh báo chính “đường ăn kiêng”, tức các chất làm ngọt nhân tạo, cũng gây hại cho quá trình chuyển hóa và góp phần gây nên bệnh tiểu đường.