Trứng là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất, ăn trứng mỗi ngày có làm tăng cholesterol?
Cholesterol là gì?
Bài viết trên webiste Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của ThS.BS Hoàng Thị Thuý cho biết, cholesterol là chất béo, còn gọi là lipid, được cơ thể sản xuất và sử dụng trong các hoạt động sống.
Cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất chất béo này là gan, cung cấp đủ nhu cầu sử dụng của cơ thể. Ngoài ra, qua thực phẩm hấp thụ hàng ngày, con người cũng thu một lượng cholesterol nhất định, nhất là thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt lợn, thịt bò, sữa nguyên béo.
Việc hấp thu lượng chất béo lớn từ thực phẩm, nhất là dầu nhiệt đới như dầu dừa, dầu hạt cọ, có thể kích thích gan sản sinh ra nhiều lượng cholesterol hơn mức cần thiết. Khi đó, chất béo không được sử dụng hết sẽ tích tụ trong máu, cùng máu di chuyển đi khắp các cơ quan trong cơ thể.
Thực tế chất béo trong máu quá cao là nguy hiểm tiềm ẩn, làm tăng nguy cơ gây biến chứng như: đau tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch, tắc mạch máu.
Cholesterol được phân làm 2 loại dựa trên protein kết hợp với cholesterol để cùng vận chuyển trong máu, cụ thể:
LDL cholesterol
Đây là loại cholesterol được vận chuyển bởi LDL, còn gọi là cholesterol xấu. LDL cholesterol được vận chuyển từ gan đến các cơ quan cần nó, nếu chất béo này trong máu quá cao có thể gây tích tụ, dẫn tới xơ vữa động mạch và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
HDL cholesterol
Đây là loại chất béo được vận chuyển bởi HDL, đưa từ tế bào trở lại gan để được phân hủy và thải ra ngoài. HDL cholesterol còn gọi là chất béo tốt, tuy nhiên nó không giúp loại bỏ hoàn toàn cholesterol xấu, chỉ loại được từ 1/3 – 1/4 lượng cholesterol trong máu.
Vì thế trong kiểm tra mỡ máu, ngoài đo cholesterol toàn phần, cần xem xét cả tỉ lệ cholesterol tốt và cholesterol xấu. Từ đó có thể đánh giá bệnh nhân có bị mỡ máu hay không cũng như các nguy cơ kèm theo như xơ vữa động mạch, tiểu đường, cao huyết áp.
Cholesterol trong máu bao nhiêu là nguy hiểm?
Nồng độ cholesterol toàn phần và tỉ lệ các cholesterol trong máu có thể đo đơn giản và chính xác bằng xét nghiệm máu. Ngoài ra, nồng độ Triglyceride cũng đồng thời được kiểm tra để đánh giá toàn diện hơn, đây là chất béo mà cơ thể sử dụng để dự trữ năng lượng.
Cụ thể, mức cholesterol trong máu là bình thường hoặc nguy hiểm như sau:
Cholesterol toàn phần TC
Mức bình thường: <200 mg/dL.
Mức ranh giới: 200 – 239 mg/dL.
Mức nguy cơ cao: >=240 mg/dL.
Cholesterol tốt HDL-C
Mức bình thường: >=60 mg/dL.
Mức ranh giới: Nam: 40 – 59 mg/dL; Nữ: 50 – 59 mg/dL.
Mức nguy cơ cao: Nam: <40 mg/dL; Nữ: <50 mg/dL.
Cholesterol xấu LDL-C
Mức bình thường: <100 mg/dL là bình thường; 100 -129 mg/dL là nguy cơ.
Mức ranh giới: 130 – 159 mg/dL.
Mức nguy cơ cao: 160 – 189 mg/dL là nguy cơ cao; >= 190 mg/dL là nguy cơ rất cao.
Triglyceride TG
Mức bình thường: <150 mg/dL.
Mức ranh giới: 150 – 199 mg/dL.
Mức nguy cơ cao: 200 – 499 mg/dL là nguy cơ cao; >=500 mg/dL là nguy cơ rất cao.
Dựa trên kết quả đo nồng độ Cholesterol các loại và tỷ lệ mỡ máu, bác sĩ cần kết hợp với các yếu tố khác để đánh giá nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc các bệnh lý liên quan. Các yếu tố ảnh hưởng bao gồm: giới tính, tuổi tác, có hút thuốc lá không, huyết áp tâm thu, tiền sử bệnh lý.
Thang điểm SCORE thường được sử dụng để đánh giá nguy cơ tim mạch ở người khỏe mạnh không có triệu chứng lâm sàng. Từ đó bệnh nhân có thể ước lượng nguy cơ bị xơ vữa mạch máu gây đột quỵ, cơn bệnh tim, bệnh động mạch tắc nghẽn gây tử vong hay không trong vòng 10 năm tới.
Ăn trứng mỗi ngày có làm tăng cholesterol?
Bài viết của CNDD Nguyễn Thị Huyền – khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trên website bệnh viện cho biết, khi nhắc đến cholesterol nhiều người coi là tiêu cực. Tuy nhiên, thực tế cholesterol đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Đây cũng là thành phần cấu tạo của các hormone steroid như testosterone, estrogen và cortisol. Cơ thể sẽ điều tiết bằng các cơ chế khác nhau để giữ mức cholesterol luôn trong giới hạn bình thường.
Tuy nhiên, vẫn nên tránh ăn quá nhiều cholesterol nếu nồng độ cholesterol trong máu cao có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt các bệnh lý về tim mạch.
Về việc ăn nhiều trứng có ảnh hưởng đến sức khỏe không, chuyên gia dinh dưỡng Huyền dẫn chứng nhiều nghiên cứu đã kiểm tra việc tiêu thụ trứng và nguy cơ mắc bệnh tim.
Nhiều người trong số này được theo dõi trong nhiều năm, kết quả cho thấy những người ăn cả quả trứng không có nhiều khả năng bị bệnh tim hơn người không ăn, thậm chí còn cho thấy giảm nguy cơ đột quỵ.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Huyền, một quả trứng khoảng 50g chứa 186 mg cholesterol, chiếm 62% lượng tiêu thụ hàng ngày được khuyến nghị, lòng trắng chủ yếu là protein. Một số nghiên cứu khác đã kiểm tra tác động của trứng đối với mức cholesterol.
Những nghiên cứu này cho thấy rằng, trong hầu hết các trường hợp, cholesterol HDL “tốt” đều tăng lên. Mức cholesterol LDL toàn phần và “xấu” thường không thay đổi nhưng đôi khi tăng nhẹ. Ăn trứng giàu omega-3 có thể làm giảm chất béo trung tính trong máu. Mức độ trong máu của các chất chống oxy hóa carotenoid như lutein và zeaxanthin tăng đáng kể.
Trong 70% người tham gia, trứng không ảnh hưởng đến cholesterol LDL toàn phần hoặc “xấu”. Mặc dù ăn một vài quả trứng mỗi ngày có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu ở một số người, nhưng chúng sẽ thay đổi các phần tử LDL “xấu” từ nhỏ và đậm đặc thành lớn.
Những người chủ yếu có các hạt LDL lớn có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn. Vì vậy, ngay cả khi trứng gây ra sự gia tăng nhẹ mức cholesterol toàn phần và LDL, thì đó không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Khoa học đã chứng minh rằng tối đa 3 quả trứng mỗi ngày là an toàn cho những người khỏe mạnh.
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời giáo sư Linda Van Horn, Trưởng bộ phận dinh dưỡng, khoa Y tế dự phòng tại Trường Y khoa Feinberg của Đại học Northwestern (Chicago) cho biết, một quả trứng lớn chứa khoảng 200mg cholesterol. Vì vậy, việc ăn không quá hai hoặc ba lòng đỏ mỗi tuần được coi là phù hợp. Lòng trắng trứng không có nhiều cholesterol.
Theo Giáo sư Linda Van Horn, nếu mức cholesterol xấu LDL của bạn thấp, thì việc ăn một vài quả trứng mỗi tuần được coi là có thể chấp nhận được, tùy thuộc vào hàm lượng tổng thể của chế độ ăn.
Đối với những người có mức cholesterol LDL cao nên cân nhắc việc giảm nguồn chất béo bão hòa và cholesterol trong chế độ ăn uống, vì chúng đều được coi là có nhiều khả năng góp phần hình thành mảng bám động mạch.
Cách tốt nhất là nên tập trung thực hiện chế độ ăn lành mạnh với việc ăn nhiều thực phẩm thực vật hơn như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả tươi; kết hợp ăn nhiều cá hơn, hạn chế calo và hoạt động thể chất thường xuyên, giáo sư Linda Van Horn nhấn mạnh.