Quả loại cây này vô cùng dân dã nhưng lại là món quà vặt được trẻ con yêu thích bởi hương vị chua ngọt dễ ăn.
Dâu da xoan còn gọi là châm châu, dâm bôi. Cây mọc hoang ở miền núi và cũng được trồng nhiều ở địa phương. Đây là một loại cây được nhiều trẻ nhỏ yêu thích.
Cây dâu da xoan rất giống cây xoan đào, từ dáng cây, dáng lá và những trùm sai trĩu quả. Chỉ có điều, cây xoan đào cho hoa màu tím, quả vàng và không ăn được. Hoa dâu da lại màu trắng, thơm ngát và cho quả rất dễ ăn.
Ở quê quả đau da xoan trẻ con mê tít bởi loại quả này hương vị thơm ngon lại kích thích tiêu hóa giúp ăn uống ngon miệng hơn. Hạt dâu da xoan có thể chữa chứng đầy bụng, khó tiêu. Vậy mới thấy, hoa quả trong vườn được trồng cũng đều có lý do cả, ngoài ăn ngon thì cũng là một vị thuốc tốt, theo VTC News.
Cây dâu da xoan đã in vào ký ức tuổi thơ với những kỷ niệm thật đẹp. Những đứa trẻ con khi lớn lên, nếm đủ mọi sơn hào hải vị trên đời, rồi sẽ có lúc bất chợt nhớ về cái vị chua ngọt bình dị của một chùm dâu da vàng đỏ ngày nào.
Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, Bác sĩ Nguyễn Đức Thuần cho biết, trong đông y, dâu da xoan dùng lá, vỏ thân và hạt ở quả chín làm thuốc. Có thể dùng tươi hay khô, dâu da xoan được xem như một vị thuốc chữa ho, đầy bụng. Dùng ngoài chữa đau nhức, sưng đầu gối. Thường dùng giã nát trộn giấm bôi.
Quả chín của cây dâu da xoan ăn rất ngọt và ngon, kích thích tiêu hóa, lá dùng chữa sưng tấy, mụn nhọt, lở loét, dị ứng.
Cách dùng dâu da xoan chữa bệnh:
Chữa đầy bụng, khó tiêu: Bạn cần chuẩn bị nguyên liệu gồm có hạt dâu da xoan 8g, sao vàng hạ thổ, sắc với 2 bát nước còn khoảng nửa bát. Uống khi thuốc còn ấm, uống sau bữa ăn sáng. Uống liên tục trong 3 ngày.
Chữa ho: Vỏ cây dâu da xoan 10g, sắc khoảng 300ml nước, còn 100ml, chia hai lần uống trong ngày. Uống trong 5 ngày.
Trị chứng đau nhức, sưng đầu gối: Lá dâu da xoan tươi 30g, rửa sạch giã nát, trộn với giấm hay rượu đắp lên nơi đau, sưng. Ngày đắp hai lần vào sáng và tối trước khi đi ngủ, mỗi lần đắp khoảng 30 phút.