Trong quý 3/2024, xuất khẩu loại thủy sản này sang Trung Quốc tăng mạnh.
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý 3/2024 đạt doanh số cao nhất kể từ đầu năm đến nay khi nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng mạnh trở lại, VTV News đưa tin.
Trong khi tôm và cá tra tiếp tục là những sản phẩm chủ lực, cua ghẹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, xuất khẩu cua ghẹ trong quý 3/2024 tăng 59%, đạt 228 triệu USD, chủ yếu nhờ xuất khẩu sản phẩm cua sống sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh.
Theo thông tin trên báo Dân trí, trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cua sống lớn nhất của Việt Nam.
Cua là loại thủy sản rất được ưa chuộng ở Trung Quốc. Theo trang The world of Chinese, sở thích ăn cua của người Trung Quốc đã có từ nhiều thế kỷ trước. Có nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết về món cua, ví von “không có niềm vui nào tuyệt vời hơn trên thế gian này” bằng việc vừa thưởng thức cua vừa uống rượu.
Thậm chí, người Trung Quốc còn có một bộ dụng cụ đặc biệt chuyên để ăn cua. Thay vì sử dụng tay không, người Trung Quốc có thể ăn cua một cách dễ dàng hơn với bộ dụng cụ tinh xảo này. Chúng bao gồm một cái búa để gõ vào vỏ cua để dễ mở, một cái rìu nhỏ để nhấc vỏ lên, một cái móc để lấy thịt cua, một cái thìa để múc trứng cua, một cái kìm để loại bỏ những phần không mong muốn, kéo để cắt chân và càng, một cái thớt và thậm chí là một cái chậu để đựng vỏ cua.
Bộ dụng cụ này có nhiều phiên bản với các công cụ khác nhau. Điểm chung là sau khi sử dụng các công cụ này, vỏ cua gần như vẫn giữ được hình dáng nguyên vẹn. Bạn thậm chí có thể tạo hình lại con cua.
Lợi ích sức khỏe của cua
Cua có vị mặn nhẹ và ngọt thanh, được thưởng thức tại khắp nơi trên thế giới.
Các nhà sử học tin rằng cua là một trong những loại thực phẩm đầu tiên được người dân ven biển khai thác. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra tàn tích của cua và các loài sinh vật biển ăn được khác dọc theo bờ biển Eritrea. Các khám phá khảo cổ bổ sung từ khu vực Vịnh Chesapeake cho thấy cua cũng là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất đối với người Mỹ bản địa.
Ngày nay, cua là loại thủy sản dễ đánh bắt ở một số khu vực và là món ngon được ưa chuộng ở nhiều quốc gia. Hơn nữa, chúng còn là loại thủy sản có nhiều dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe tiềm năng với sức khỏe con người.
Theo chuyên trang y tế Mỹ Web MD, thịt cua giàu vitamin B12, folate, sắt, niacin, selen, kẽm. Một 1 cốc cua nấu chín chứa:
– 112 calo
– 24 gram protein
– Dưới 1 gram chất béo.
Cua chứa nhiều protein, rất quan trọng để xây dựng và duy trì cơ bắp. Cua cũng chứa hàm lượng cao axit béo omega-3, vitamin B12 và selen. Những chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe nói chung, đồng thời giúp ngăn ngừa nhiều tình trạng bệnh mãn tính.
Dưới đây là một số lợi ích tiềm năng của cua với sức khỏe:
– Cải thiện sức khỏe tim mạch
Axit béo omega-3 trong cua mang lại nhiều lợi ích liên quan đến sức khỏe tim mạch. Những chất dinh dưỡng quan trọng này có thể giúp hạ triglyceride, giảm nguy cơ cục máu đông và làm giảm khả năng nhịp tim không đều.
– Ngăn ngừa thiếu máu
Nhiều chất dinh dưỡng có trong cua, bao gồm vitamin B12 và folate, giúp giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu vitamin. Những người bị thiếu máu do thiếu vitamin không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh và có thể bị mệt mỏi hoặc yếu ớt.
– Giữ cho não bộ khỏe mạnh
Nghiên cứu cho thấy những người ăn hải sản, chẳng hạn như cua, ít nhất một lần mỗi tuần có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer thấp hơn. Lợi ích này có thể bắt nguồn từ hàm lượng axit béo omega-3 cao có trong hải sản.
Lưu ý khi ăn cua
Cua giàu dinh dưỡng nhưng cũng cần lưu ý một số điều khi ăn.
– Khi đi chợ, nên chọn cua tươi sống, tuyệt đối không nên ăn cua chết.
– Chế biến cua chín kỹ rồi hãy thưởng thức.
– Thịt cua có tình hàn, vì vậy, không nên ăn quá nhiều, có thể dẫn đến lạnh bụng, đầy bụng, đi ngoài.
Tóm lại, khi kết hợp vào một chế độ ăn cân bằng, đa dạng, cua có thể trở thành một món ăn ngon giàu dinh dưỡng, giúp cải thiện sức khỏe.