Thói quen tự ý sử dụng thuốc, không theo chỉ định của bác sĩ nên nhiều người bị dị ứng mà không biết do đâu
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã cấp cứu một nam bệnh nhân 60 tuổi được người nhà đưa đến trong tình trạng sốt cao, kèm bọng nước lớn ở lòng bàn chân, loét, mủ niêm mạc miệng, đau rát. Bệnh nhân bị nạn do một loại sản phẩm bé xíu lâu nay tưởng chừng chỉ dùng để cứu người.
Gặp họa vì tùy tiện dùng thuốc
Trước đó, người đàn ông này bị nhiệt miệng và tự mua thuốc về điều trị. Tuy nhiên, sau 2 ngày uống thuốc, ông đã bị dị ứng nghiêm trọng. Trong quá trình điều trị, các bọng nước vỡ, da bong tróc từng mảng lớn. Sức khỏe bệnh nhân đã ổn định sau 20 ngày điều trị tích cực.
Một trường hợp khác là bệnh nhân 61 tuổi, được chẩn đoán mắc đái tháo đường, gout tại phòng khám tư. Dùng thuốc được 2 ngày thì bệnh nhân xuất hiện tổn thương da là các dát đỏ vùng cổ – ngực, kèm theo trợt loét niêm mạc miệng, sinh dục. Một ngày sau khi nhập viện, bệnh tiến triển nặng hơn, xuất hiện các bọng nước ở bàn chân, bàn tay kèm mụn mủ và trợt da, rỉ dịch vùng ngực, lưng. Sau gần 3 tuần điều trị, thương tổn da hết chảy dịch, tình trạng ổn định. Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Tình, Trưởng Khoa Da liễu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, cho biết đây là tình trạng dị ứng thuốc. Bệnh nhân bị hoại tử thượng bì nhiễm độc sau khi dùng thuốc, đặc trưng là tình trạng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.
Trước đó, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận thai phụ 27 tuổi (mang thai 40 tuần) bị phản vệ mức độ nguy kịch do tự ý dùng thuốc trị đau họng. Người bệnh cho biết do bị đau rát họng, ho nên tự mua thuốc kháng sinh amoxillin, alphachoay, codepil, thuốc ho siro để điều trị. Sau khi uống 30 phút thì xuất hiện nổi mề đay toàn thân, khó thở, thở rít, đau ngực, choáng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được xác định dị ứng toàn thân, ngứa nhiều, phù thanh môn, nói khàn, thở rít, thở nhanh… và được cấp cứu khẩn cấp theo phác đồ phản vệ độ 3 tiêm adrenalin, corticoid, kháng histamin, thở ôxy, truyền dịch.
Bệnh viện Da liễu Trung ương từng điều trị cho nữ bệnh nhân 55 tuổi nhập viện vì các mảng hoại tử và vết trợt da. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện vùng đỏ thẫm, sưng nề vùng môi, sau đó các dát đỏ lan nhanh ra tay, chân, thân, hình thành thêm mụn nước, bọng nước. Trước khi bị bệnh 2 tháng, bệnh nhân có uống thuốc nam điều trị đau khớp, sau đó uống thuốc nam (dạng sắc) điều trị viêm dạ dày trong 3 tuần. Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell). Một trường hợp bị dị ứng thuốc nghiêm trọng khác là bệnh nhi 10 tuổi (ở Hà Nội) bị cảm, sốt, được mẹ cho uống paracetamol. Sau khi uống, trẻ có biểu hiện đỏ môi và nổi các bọng nước ở tay chân, sau đó da bị lở loét, chảy nước như bỏng vôi. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị dị ứng thuốc paracetamol, còn gọi là hội chứng Stevens-Johnson.
Thủ phạm nhiều nhất: Kháng sinh
TS-BS Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết tất cả các thuốc, kể cả thực phẩm chức năng hay thuốc không cần kê đơn đều có khả năng gây dị ứng. Tuy nhiên, thường gặp nhất là dị ứng kháng sinh, đặc biệt là penicillin và sulfonamid – những loại thuốc phổ biến nhất liên quan đến phản ứng dị ứng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển dị ứng thuốc bao gồm tuổi tác, giới tính, đa hình gien và một số bệnh nhiễm trùng do virus. Chẳng hạn, người có tiền sử gia đình bị dị ứng thuốc hoặc những người có một số dấu hiệu di truyền nhất định có thể có nguy cơ cao hơn.
Theo bác sĩ Khánh, dị ứng thuốc biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, phần lớn những phản ứng dị ứng thông thường xuất hiện ở trên da như mẩn đỏ, sẩn ngứa… Người dị ứng thuốc thường dị ứng với một số loại thuốc như kháng sinh, vitamin dạng tiêm, paracetamol, thuốc gây tê, thuốc gây ngủ, giãn cơ, một số thuốc nội tiết tố… Hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước (hội chứng Stevens-Johnson) là phản ứng dị ứng nặng, nguy hiểm. Hội chứng này có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc vài giờ đến nhiều ngày sau đó. Bệnh nhân thường bị sốt cao, mệt mỏi, khắp người nổi ban đỏ, bọng nước hoặc bị lột da. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, ngứa khắp người, có cảm giác nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ, nổi các bọng nước trên da, các hốc tự nhiên như mắt, miệng, họng, bộ phận sinh dục dẫn tới viêm loét, hoại tử niêm mạc các hốc này, có thể kèm theo tổn thương gan, thận, thể nặng có thể gây tử vong. Các thuốc có thể gây hội chứng Stevens-Johnson là penicillin, ampicillin, streptomycin, tetracyclin. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể dị ứng với các nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống lao, chống động kinh, thuốc điều trị gout… Cơ chế dị ứng nhanh có thể ngay sau khi uống thuốc khoảng 2 giờ, còn dị ứng muộn thì sau 10 ngày tiếp xúc với thuốc.
Tại Việt Nam, một số nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy thuốc đông y và thuốc nam không rõ nguồn gốc cũng là những căn nguyên hàng đầu gây hội chứng Stevens-Johnson. “Nhiều người dân thường quan niệm thuốc đông y lành tính, mát, bổ nhưng trong mỗi thang thuốc có hàng chục vị, mà mỗi vị lại có nhiều chất khác nhau nên cũng dễ gây dị ứng đối với người mẫn cảm. Bên cạnh đó, người sử dụng thuốc đông y cũng có nguy cơ nhiễm độc với các loại hóa chất bảo quản như: lưu huỳnh, phosphor, thuốc chống ẩm, mốc… Thậm chí ngay cả thuốc bổ như vitamin, thảo dược… cũng có thể gây dị ứng” – TS-BS Trần Thị Huyền, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Da liễu Trung ương, cảnh báo.
Các chuyên gia khuyến cáo với những người cơ địa nhạy cảm, mắc một số bệnh dị ứng (với thời tiết, thức ăn…) thì nguy cơ dị ứng với thuốc cũng cao hơn. Khi đi khám bệnh, người bệnh cần thông báo với bác sĩ những loại thuốc từng gây dị ứng. Nếu không may bị dị ứng thuốc thì cần ngừng ngay loại thuốc đang uống. Trường hợp dị ứng nhẹ (mẩn ngứa, nổi mề đay nhẹ…) thì sau khi ngừng thuốc 1-2 ngày, các triệu chứng dị ứng sẽ hết. Nếu bị dị ứng nặng (phù nề nặng, khó thở, nôn…), cần đi cấp cứu ngay và mang theo thuốc đang uống để bác sĩ biết tình trạng dị ứng do thuốc nào và có biện pháp xử trí thích hợp.
Tỉ lệ tử vong 30%
Hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc là những phản ứng nặng, thường do thuốc, có biểu hiện ở da, niêm mạc, tuy ít gặp nhưng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh. Tần suất của bệnh trong dân số chỉ khoảng 2/1.000.000 người nhưng tỉ lệ tử vong rất cao, có thể tới 30%.