Các bác sĩ cảnh báo về 1 thời điểm mà người trung niên không nên ăn uống để tránh gia tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, khiến đường huyết tăng nhanh,dẫn tới nguy cơ thừa cân.
Nguy cơ tiềm ẩn từ 1 thói quen ban đêm
Ông Đoan Mộc, một công nhân ngành điện lực ở Trung Quốc đã nghỉ hưu, từ lâu đã có thói quen ăn chút bánh trái trước khi đi ngủ. Theo lời ông, nếu không ăn gì đó, ông thấy khó lòng chợp mắt. Thói quen này đã kéo dài hàng chục năm, từ thời trẻ đến lúc tuổi già. Nhưng liệu việc ăn nhẹ trước khi ngủ có thật sự an toàn cho sức khỏe?
Theo bác sĩ Lý, một bác sĩ đông y giàu kinh nghiệm tại Trung Quốc, thói quen ăn đêm ở người cao tuổi không chỉ không giúp ngủ ngon hơn mà còn tạo thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Vào ban đêm, quá trình chuyển hóa trong dạ dày chậm lại để nghỉ ngơi, việc ăn uống sẽ khiến dạ dày phải làm việc quá sức. Dạ dày hoạt động liên tục có thể gây ra các vấn đề như khó tiêu, trào ngược axit và đau dạ dày. Đây cũng là lý do khiến nhiều người cao tuổi bị cảm giác nóng rát, khó chịu ở dạ dày sau khi ăn khuya.
Bác sĩ Lý cũng nhấn mạnh rằng, ăn trước khi ngủ sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ. Khi dạ dày phải hoạt động để tiêu hóa thức ăn, cơ thể khó lòng thư giãn, khiến giấc ngủ không sâu và dễ bị thức giấc giữa đêm. Hậu quả là người cao tuổi sẽ cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau, khiến tinh thần sa sút và tuổi già càng trở nên nặng nề hơn.
Ngoài việc làm hệ tiêu hóa phải làm việc quá sức, thói quen ăn đêm còn ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết. Sau bữa tối, lượng insulin trong cơ thể tăng lên để xử lý lượng đường từ thức ăn. Khi tiếp tục ăn sau bữa tối, insulin sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, dễ dẫn đến tình trạng kháng insulin. Điều này gây ra nguy cơ cao mắc các bệnh như tiểu đường, máu nhiễm mỡ và huyết áp cao.
Cuối cùng, ăn đêm cũng khiến bạn dễ tăng cân hơn do cơ thể không có thời gian để đốt cháy năng lượng thừa, mà sẽ chuyển hóa chúng thành mỡ tích tụ. Người trung niên thường có tốc độ chuyển hóa chậm, nếu duy trì thói quen ăn đêm trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân, nguy cơ mắc các bệnh như mỡ máu, cao huyết áp sẽ gia tăng.
Vì thế, thay vì ăn trước khi ngủ, mọi người có thể uống một cốc nước ấm hoặc ăn nhẹ sau bữa tối với các thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng. Điều này không chỉ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh mà còn hỗ trợ giấc ngủ sâu và ổn định đường huyết. Việc duy trì thói quen ăn uống đúng giờ và đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp người cao tuổi giữ được sức khỏe tốt và tận hưởng tuổi già một cách khỏe mạnh và an yên.
6 bí quyết ăn uống quan trọng mà người trung niên cần biết
1. Bắt đầu ngày mới với protein: ổn định đường huyết
Cuộc sống bận rộn dễ dẫn đến những lựa chọn nhanh chóng như bánh ngọt hay bánh mì trắng cho bữa sáng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, những thực phẩm này làm tăng nhanh lượng đường trong máu, gây cơn thèm ăn đồ ngọt hoặc tinh bột tinh chế suốt cả ngày, có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường type 2, bệnh tim và lão hóa nhanh chóng.
Để cải thiện tình trạng này, hãy thay đường bằng protein và chất béo lành mạnh ngay từ đầu ngày. Chia sẻ với tờ Telegraph, chuyên gia dinh dưỡng Southern cho biết: “Trứng và bơ kèm bánh mì nướng, hoặc sữa chua kèm trái cây mọng nước là những lựa chọn tốt.” Protein từ trứng, sữa chua, thịt nạc và các loại đậu rất quan trọng để duy trì sức khỏe cơ bắp, xương và trao đổi chất.
2. Chọn bánh mì giàu chất xơ thay vì tinh bột tinh chế
Bánh mì trắng và các sản phẩm tinh bột tinh chế chứa ít chất xơ, dễ dẫn đến tăng nhanh lượng đường trong máu và làm bạn thấy đói nhanh. Các thực phẩm này cũng thường là “thực phẩm siêu chế biến” (UPFs), chứa chất bảo quản và các phụ gia công nghiệp khác, làm tăng nguy cơ tử vong sớm.
Chuyên gia Southern khuyên: “Hãy giảm lượng UPFs và tinh bột trắng tinh chế, thay thế bằng các loại bánh mì giàu chất xơ từ bột lúa mạch đen hoặc ngũ cốc nguyên hạt.” Chất xơ không chỉ giúp cân bằng hormone mà còn có lợi cho sức khỏe đường ruột và chống viêm nhiễm. Theo một nghiên cứu của Đan Mạch, những người ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt sống lâu hơn và ít mắc bệnh hơn.
3. Ăn đa dạng các loại thực vật để cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột
Giáo sư Tim Spector, chuyên gia dinh dưỡng Anh, khuyên nên tiêu thụ ít nhất 30 loại thực vật khác nhau mỗi tuần. Đây là cách tốt để tăng cường sự đa dạng cho hệ vi sinh vật đường ruột, một yếu tố quan trọng trong sức khỏe tổng thể.
“Ngay cả khi không đạt đến 30 loại, việc bổ sung càng nhiều các loại thảo mộc tươi trong bữa ăn càng mang lại hiệu quả tích cực,” chuyên gia Southern cũng chia sẻ. “Có thể rắc các loại hạt như chia, hạt lanh, hạt mè hoặc hạt bí vào món ăn để cung cấp thêm chất xơ, protein và vi chất dinh dưỡng một cách nhanh chóng.”
4. Sử dụng sữa lên men để cải thiện tiêu hóa
Thực phẩm lên men chứa nhiều probiotic, rất có lợi cho hệ vi sinh vật đường ruột. Nếu kim chi hay dưa bắp cải không phù hợp với khẩu vị, hãy thử bắt đầu ngày mới bằng một bát sữa lên men. Chuyên gia Southern chia sẻ: “Sữa lên men là một lựa chọn đơn giản, giàu probiotic hơn so với sữa chua thông thường, rất tốt cho tiêu hóa.”
5. Ăn nhiều các loại hạt để bảo vệ não bộ
Một nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore cho thấy, những người ăn hạt ít nhất hai lần mỗi tuần ở tuổi trung niên có nguy cơ mắc các vấn đề về trí nhớ thấp hơn đáng kể. Các loại hạt cung cấp chất xơ, protein, vitamin và các vi chất bảo vệ sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
“Chỉ một nắm nhỏ hạt đã là món ăn vặt lý tưởng, giúp bạn no lâu và không gây tăng đường huyết,” bà Southern khuyên. Hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hay hạt bí đều là lựa chọn tốt cho cả sức khỏe não bộ lẫn hệ tiêu hóa.
6. Tăng cường các loại trái cây
Theo một nghiên cứu lớn từ Singapore với hơn 13.000 người tham gia, việc ăn nhiều trái cây giảm nguy cơ các triệu chứng trầm cảm khi về già. Các loại trái cây như cam, quýt, chuối, đu đủ, dưa hấu và táo chứa nhiều chất chống oxy hóa và vi chất có lợi như vitamin C, carotenoids, flavonoids, giúp giảm căng thẳng và viêm trong cơ thể – yếu tố quan trọng phòng ngừa trầm cảm.
(*Nguồn: Sohu, Telegraph…)