Nước chè tươi là thức uống được nhiều người yêu thích, vậy nhưng nước chè tươi để qua đêm có uống được không?
Lợi ích của nước chè tươi với sức khoẻ
Nước chè tươi là thức uống được nhiều người vô cùng yêu thích. Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết lá chè xanh là loại thực phẩm làm thức uống phổ biến trong nhiều nền văn hóa, mang lại một số lợi ích sức khỏe quan trọng, như bảo vệ sức khỏe của não, tim và xương của chúng ta cũng như làm đẹp da.
Dưới đây là những lợi ích cụ thể của nước chè tươi đối với sức khoẻ:
Có thể làm giảm viêm khớp
Nếu bạn muốn giảm viêm, hãy thêm lá chè tươi vào danh sách mua sắm. Trong một nghiên cứu trên chuột, những con chuột mắc viêm khớp dạng thấp (RA) được cho uống chiết xuất chè tươi, sau đó phát triển các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, so với những con chuột bị RA uống nước lọc.
Mặc dù cần có nhiều nghiên cứu hơn ở người, nhưng các nhà khoa học lưu ý, chiết xuất chè tươi có thể hữu ích khi sử dụng cùng với phương pháp điều trị RA thông thường.
Có thể làm giảm lượng đường trong máu
Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) do tình trạng kháng insulin, trong đó các tế bào, cơ và gan không thể hấp thụ glucose hiệu quả để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể làm tăng nguy cơ biến chứng như bệnh tim, tổn thương thần kinh, cắt cụt chi và các vấn đề về mắt.
Một nghiên cứu cho thấy, những người tham gia tiêu thụ 150 ml chè tươi, ba lần một ngày, trong bốn tuần, có thể làm giảm tình trạng kháng insulin. Do đó, chè tươi có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường loại 2.
Chống lại một số loại ung thư
Ung thư xảy ra khi các gốc tự do tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Thực phẩm và đồ uống giàu chất chống oxy hóa như chè tươi được cho là có thể giúp ngăn ngừa quá trình này, đặc biệt, hàm lượng EGCG có trong lá chè tươi.
Nước chè tươi để qua đêm có uống được không?
Nhiều người thường có thói quen nấu nhiều nước chè tươi, nếu không uống hết thì dành lại hôm sau dùng tiếp. Vậy, nước chè tươi để qua đêm có uống được không?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Lê Thị Hương cho biết, nước chè để sau 8 tiếng thì thành phần bất lợi trong nước chè sẽ tăng lên, đặc biệt khi trời nóng, nhiệt độ cao, vi khuẩn dễ dàng phát triển, uống vào gây bất lợi cho sức khỏe. Như vậy, mọi người không nên uống nước chè để qua đêm.
Những lưu ý khi uống chè tươi
Ngoài không được uống nước chè để qua đêm thì bác sĩ Hương cũng khuyến cáo bạn cần lưu ý những điều dưới đây nếu uống nước chè tươi hàng ngày:
Nồng độ nước chè phải phù hợp
Nếu pha ít chè quá nước sẽ nhạt, vô vị, nhưng cũng không nên thường xuyên uống nước chè quá đặc có hại cho sức khỏe.
Trong nước chè đặc hàm lượng cafein quá cao, nếu thường xuyên uống nước chè đặc sẽ làm cho lượng triglyxerin trong máu cao, làm cho động mạch bị xơ vữa, tim bị đau nhói.
Một số axit trong nước chè đặc sẽ làm lắng đọng protein và vitamin, cản trở việc bài tiết dịch vị, kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, gây nên hiện tượng mất thăng bằng chức năng của dạ dày và ruột, gây tiêu hóa kém, đại tiện táo, không có lợi đối với những người bị hư nhược chức năng dạ dày, ruột.
Ngoài ra một số axit trong nước chè có thể cùng với một số chất trong thức ăn hình thành chất cặn lắng đọng không hòa tan, ảnh hưởng đến việc hấp thu sắt của cơ thể, lâu dài có thể gây thiếu máu thiếu sắt.
Không nên uống chè sau khi uống rượu bia
Sau khi uống rượu thì tim đập nhanh, gây hưng phấn tinh thần, mà nước chè có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, nếu dùng nước chè sau uống rượu bia thì khác nào ‘lửa đổ thêm dầu’.
Đồng thời chất kiềm chứa trong nước chè sẽ khống chế khả năng tái hấp thu của thận. Sau khi uống rượu nếu uống nước chè ngay sẽ làm cho chất độc trong rượu chưa được phân giải ngấm vào thận, gây tổn hại chức năng thận.
Người đại tiện táo không nên uống nhiều nước chè
Trong nước chè chứa nhiều axit không những làm giảm sự co bóp của ruột mà còn làm lắng đọng protein, các peptit, chất sắt, ion kim loại, làm cho phân khô gây chứng táo bón hoặc khiến cho người vốn bị táo bón lại bị nặng thêm.
Cần chú ý rằng, lá chè đun hãm càng lâu thì tanin tách ra càng nhiều, càng bất lợi cho người bị táo bón.
Dùng nước sôi 70 – 80% hãm chè, không nên đậy nắp
Làm như vậy có thể giữ được hương vị chè tốt, sẽ không làm cho nước thứ 2, 3 bị nhạt, đồng thời có thể tránh được nhiệt độ cao phá hủy những thành phần có ích trong chè.
Uống chè không nên uống cạn một lần
Có những người uống chè thường uống cạn một lần rồi mới đổ thêm nước sôi vào, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hương vị của cốc thứ 2, 3.
Cách làm tốt hơn là: Khi hãm được nước đầu uống còn khoảng 1/3 thì đổ thêm nước sôi vào, sau khi uống hết 2/3 lại đổ nước sôi vào hãm.
Chè không nên hãm nhiều lần
Thông thường chỉ hãm 3 – 4 lần là được. Hãm nước đầu, chè có thể hòa tan 30% chất hòa tan trong chè, hãm nước thứ hai là 50%, hãm nước thứ ba là 10%, đến lần thứ tư chỉ còn 5%.
Tục ngữ có câu: ‘Nước đầu đắng, nước thứ hai bổ, nước thứ ba thuần, nước thứ tư hết vị’. Một ấm chè hãm nhiều lần, một số chất có hại trong lá chè sẽ hòa tan vào trong nước chè, không có lợi cho sức khỏe.
Hy vọng với những thông tin trên bạn đã có giải đáp cho băn khoăn “Nước chè tươi để qua đêm có uống được không?”. Hãy sử dụng chè tươi đúng cách để nhận được những tác dụng tốt nhất cho sức khoẻ nhé.