Home Sức khỏe Những món ăn ‘cực hại’ với người bị huyết áp thấp

Những món ăn ‘cực hại’ với người bị huyết áp thấp

by cataiphat


Khi nói đến bệnh lý của huyết áp, mọi người thường nghĩ ngay đến bệnh cao huyết áp. Không nhiều người biết huyết áp thấp cũng nguy hiểm chẳng kém. Cùng với các biện pháp điều trị, liệu pháp ăn uống cũng giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh.

Dấu hiệu bệnh huyết áp thấp

Theo phân loại của Hội tim mạch và huyết áp Châu âu (ESC/ESH): Người bị huyết áp thấp có trị số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó.

Bệnh nhân huyết áp thấp thường có những biểu hiện: mệt mỏi, lả người và rất muốn được nghỉ ngơi, hoa mắt chóng mặt, khó tập trung và dễ nổi cáu, có cảm giác buồn nôn, nặng hơn có thể ngất xỉu… Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể suy giảm khả năng tình dục; da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc; vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh; thở dốc, nói như hụt hơi nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, xây xẩm mặt mày…

Huyết áp hạ quá thấp có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Theo các chuyên gia tim mạch học, một điều ít ai biết, huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não chiếm tỷ lệ 10-15% giống như tăng huyết áp; 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp.

Liệu pháp ăn uống đẩy lùi huyết áp thấp

Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn đủ các bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng . Để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn, nên chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và cần cố gắng hạn chế những thực phẩm giàu carbonhydrate (tinh bột) như khoai tây, gạo, cháo, nui và bánh mì…

Uống nhiều nước: có thể giúp tăng thể tích máu, làm giảm một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây huyết áp thấp. Ngoài ra uống nước cũng giúp tránh mất nước. Người bệnh huyết áp thấp nên tránh sử dụng đồ uống có cồn. Cồn không chỉ khiến cơ thể mất nước mà còn làm giảm huyết áp, ngay cả khi đã cung cấp đủ nước cho cơ thể. Vì vậy những người có huyết áp thấp nên tránh uống rượu, chỉ uống bia ở mức độ vừa phải.

Bổ sung các chất điện giải: Các chất điện giải có vai trò rất quan trọng giúp duy trì huyết áp. Người bệnh có thể uống nước muối loãng, pha nhạt hoặc nước chanh để bổ sung điện giải cho cơ thể. Ngoài ra, có thể dùng đồ uống chứa các nhóm chất điện giải như natri, kali… dành cho những người chơi thể thao.

Tăng thêm lượng muối: Người bình thường nên ăn nhạt, tuy nhiên đối với người huyết áp thấp ăn nhạt không phải là lựa chọn tốt cho sức khỏe. Vì vậy, những người bị huyết áp thấp nên cân nhắc tăng lượng muối ăn trong ngày để giúp làm tăng huyết áp. Người bị giảm huyết áp nên ăn tăng một chút muối so với người bình thường. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để phù hợp với thể trạng và độ tuổi. Chỉ nên dùng muối với lượng nhỏ, vừa đủ, khi dùng quá mặn sẽ gây tăng huyết áp khi nằm.

Thực phẩm tốt cho người huyết áp thấp: Cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể theo nhóm thực phẩm. Trong chế độ ăn uống thường ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B. Một số thức ăn đồ uống có tác dụng làm tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, bột tam thất, rau cần tây, nước nho, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu…

Chế độ ăn cải thiện huyết áp thấp gồm những thực phẩm có vị ngọt và vị mặn phù hợp. Nho khô giúp tăng huyết áp cho người huyết áp thấp. Loại quả này duy trì huyết áp ở mức thông thường bằng cách hỗ trợ tuyến thượng thận thực hiện chức năng. Nên ngâm từ 30 đến 40 quả nho khô trong nước (để qua đêm) và ăn vào mỗi sáng khi đói. Hạt hạnh nhân kiểm soát huyết áp thấp. Cũng giống với nho khô, bạn nên ngâm từ 4-5 quả hạnh nhân trong nước, giữ qua đêm. Sau đó bóc lớp vỏ bên ngoài, xay nhuyễn và pha cùng sữa nóng. Rễ cam thảo giúp bình thường hóa chỉ số huyết áp. Uống trà cam thảo trong 2-3 tuần có hiệu quả nâng huyết áp. Bệnh nhân huyết áp thấp nên ăn vài lát gừng tươi, hoặc chế thành nước trà gừng. Gừng có chứa dầu dễ bay hơi có thể kích thích sự tiết dịch dạ dày, gây hưng phấn cho mạch máu, thúc đẩy tiêu hóa. Thường xuyên ăn gừng có tác dụng nhất định trong việc điều trị huyết áp thấp . Ngoài ra, những người huyết áp thấp do thiếu máu nên ăn các loại đậu, rau dền, rau đay, gan lợn, trứng gà…

Người huyết áp thấp nên tránh ăn gì?

Những thực phẩm có thể khiến huyết áp càng giảm hơn như: Cà rốt (chứa muối succinic) khiến nguyên tố kali trong nước tiểu tăng lên dẫn đến huyết áp giảm. Cà chua, rau bina, cần tây, dưa hấu, tỏi, đậu (đỏ, xanh), tỏi, hạt hướng dương… người huyết áp thấp đều nên hạn chế.

Người huyết áp thấp nên hạn chế ăn cà chua.

Luyện tập thể dục và hơn thế nữa…

Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khoẻ và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể, nên giảm chứng huyết áp thấp. Nhiều người bị huyết áp thấp là do giảm trương lực thần kinh – mạch máu, thành mạch máu quá yếu, sức co bóp của tim giảm do cơ tim yếu. Để củng cố thành mạch và nâng cao khả năng đẩy máu của tim, cần tích cực tập luyện thể dục thể thao. Các bài tập đi bộ, chạy, bơi, aerobic, cầu lông… phù hợp với thể lực đều rất tốt. Tuy nhiên không nên hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ lên cao.

Các bài tập đi bộ, chạy, bơi, aerobic, cầu lông… phù hợp với thể lực đều rất tốt cho người huyết áp thấp.

Tắm nước ấm có pha thêm muối magie là một trong những biện pháp đơn giản để điều trị huyết áp thấp. Ngoài ra, loại nước tắm này còn giúp cơ thể thư giãn.

Người bị huyết áp thấp không nên đứng lâu một chỗ, nằm đầu cao, tránh tiếp xúc lâu với nước nóng… để cơ thể không bị tụt huyết áp gây ra những vấn đề xấu cho sức khỏe. Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Nên tránh trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya. Trong sinh hoạt hàng ngày cũng cần tránh thay đổi tư thế đột ngột, nên thở sâu vài phút trước khi đứng lên để tăng cường lưu thông máu đến các bộ phận của cơ thể.

Related Posts

Leave a Comment