Nhiều người vẫn cho rằng việc cắt bỏ hoàn toàn tinh bột sẽ giúp ổn định đường huyết. Tuy nhiên điều này có thật sự đúng?
Ông Trần (54 tuổi) ở Trung Quốc gần đây tình cờ đọc được thông tin nói rằng lượng đường trong máu tăng cao là do ăn quá nhiều cơm trắng. Vì muốn bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa tiểu đường nên ông Trần đã quyết định thay đổi chế độ ăn uống của bản thân.
Ông Trần chia sẻ: “Tôi cho rằng việc kiêng hoàn toàn cơm trắng có thể giúp ổn định đường huyết, phòng ngừa bệnh tiểu đường, nên tôi đã ngừng ăn cơm trắng trong 1 tháng. Sau 20 ngày ngừng ăn cơm trắng, lượng đường trong máu của tôi đã giảm rất nhiều nên tôi tiếp tục duy trì thói quen này”.
Tuy nhiên, sau 6 tháng kiêng hoàn toàn cơm trắng, ông Trần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ ở viện thì nhận được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Điều này khiến ông Trần vô cùng ngỡ ngàng.
Thực hư thông tin không ăn cơm giúp phòng ngừa tiểu đường
Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều ngũ cốc tinh chế (bánh mì trắng, cơm trắng) có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có khuyến nghị nào cho thấy việc loại bỏ hoàn toàn ngũ cốc tinh chế ra khỏi chế độ ăn sẽ giúp phòng ngừa tiểu đường.
Hầu hết, các chuyên gia y tế chỉ khuyến khích mọi người giảm tiêu thụ ngũ cốc tinh chế hoặc ăn với lượng điều độ.
Ngoài ngũ cốc tinh chế, việc tiêu thụ thường xuyên một số loại thực phẩm kém lành mạnh khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Châu Âu do các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thực hiện cho biết thường xuyên tiêu thụ gạo trắng không phải là nguyên nhân duy nhất làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 45.411 người trong độ tuổi từ 45 đến 74, cả nam và nữ giới. Các nhà nghiên cứu tập trung nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường của người dân châu Á – nơi chủ yếu tiêu thụ cơm trắng.
Kết quả nhóm nghiên cứu phát hiện khi thay thế 1 phần cơm trắng ăn hàng ngày bằng mì và thịt đỏ, những người thường xuyên ăn 2 loại thực phẩm này cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature Medicine cũng chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ, thịt đã qua chế biến hoặc uống quá nhiều đồ uống chứa đường cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Điều này có nghĩa là để phòng ngừa tiểu đường loại 2, ngoài việc giảm tiêu thụ cơm trắng, mọi người cũng cần phải giảm tiêu thụ các loại thực phẩm kém lành mạnh khác như thịt chế biến sẵn, đồ ăn thức uống chứa nhiều đường.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cắt bỏ tinh bột hoàn toàn?
Ngày nay, ngày càng có nhiều người kiêng tinh bột, chỉ ăn rau xanh với lý do bảo vệ sức khỏe hoặc giảm cân. Tuy nhiên, thói quen ăn uống này có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng. Ăn quá ít tinh bột có thể khiến cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng và năng lượng, từ đó gây ra tình trạng hạ đường huyết, não bộ trì trệ, hay quên, cơ thể mệt mỏi, uể oải, chóng mặt đau đầu.
Nên ăn tinh bột thế nào?
– Giới hạn lượng tinh bột: Lượng tinh bột tối ưu nên nạp vào cơ thể là 250-400g/ngày.
– Ăn đa dạng các loại tinh bột: Ngoài gạo trắng, mọi người có thể ăn thêm các loại ngũ cốc nguyên hạt, khoai để tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể.
– Phương pháp chế biến: Các phương pháp nấu ăn khác nhau có thể gây ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mọi người nên chế biến món ăn bằng cách hấp, luộc để giữ tối đa chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
Trên thực tế, cơ thể chúng ta cần tổng hợp năng lượng và chất dinh dưỡng từ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Các chuyên gia y tế cho biết để đảm bảo sức khỏe, mọi người nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ thay vì kiêng khem quá mức một loại thực phẩm nào đó.