Home Sức khỏe Không phải hạt điều, đây mới là bộ phận trên cây điều vừa giàu vitamin C lại mọng nước

Không phải hạt điều, đây mới là bộ phận trên cây điều vừa giàu vitamin C lại mọng nước

by cataiphat
Không phải hạt điều, đây mới là bộ phận trên cây điều vừa giàu vitamin C lại mọng nước- Ảnh 1.


Hàm lượng vitamin C trong quả điều cao gấp khoảng 3–5 lần so với quả có múi.

Bạn có thể thường xuyên ăn hạt điều và hiểu về lợi ích của loại hạt này, nhưng có một bộ phận khác của cây điều cũng giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khoẻ, đó là quả điều. Với bề ngoài đầy màu sắc, giống quả lê và phần thịt bên trong mọng nước, quả điều là một loại quả bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống thường xuyên.

1. Giá trị dinh dưỡng của quả điều

Quả điều chứa nhiều chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ, đặc biệt loại quả này rất giàu vitamin C, cụ thể:

Thành phần

Giá trị dinh dưỡng (giống điều màu vàng)

(mg/100 mL)

Giá trị dinh dưỡng (giống điều màu đỏ)

(mg/100 mL)

Vitamin C

241,13

221,6

Tổng số polyphenol

265,97

271,03

Anthocyanin

210,67

225,85

Kali

36,10

43,61

Magie

4,13

1,22
Canxi

1,20

6,01

Natri

2,18

2,34

Sắt

0,37

0,35

Phốt pho

2,15

2,21

Lưu huỳnh

0,45

0,46
Mangan 0,20 0,03

Chất xơ thô

3,59

Tổng lượng đường (%)

10,57

2,37

Protein (%)

1,13

1,09

Lipid (%)

2,25

2,99

2. Lợi ích sức khoẻ của quả điều đối với sức khoẻ

Vì quả điều có nhiều vitamin và khoáng chất, nên loại quả này có rất nhiều tác dụng đối với sức khoẻ như:

– Tăng cường miễn dịch

Như đã biết, vitamin C được coi là chất giúp tăng cường miễn dịch vì nó có nhiều chức năng quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, chẳng hạn như hỗ trợ sản xuất các tế bào bạch cầu, tăng cường chức năng của tế bào bạch cầu, chống oxy hoá, hỗ trợ sản sinh interferon – một protein có khả năng chống virus.

Trong quả điều có hàm lượng vitamin C cao. Hàm lượng vitamin C trong quả điều cao gấp khoảng 3–5 lần so với quả có múi, trong 100g quả điều có đến 200–241mg Vitamin C.

Không phải hạt điều, đây mới là bộ phận trên cây điều vừa giàu vitamin C lại mọng nước- Ảnh 1.

Vitamin C trong quả điều có thể hỗ trợ tăng cường miễn dịch (Ảnh: ST)

– Bù nước cho cơ thể

Quả điều có thể được sử dụng như một nguồn thực phẩm tốt để làm đồ uống giải khát, sinh tố và nước trái cây vì chúng chứa rất nhiều nước. Quả điều có vị ngọt thanh, hơi chát nhưng dễ uống nên mọi người có thể bổ sung hàng ngày.

– Tốt cho tim mạch

Hàm lượng khoáng chất cao trong quả điều như kali, magie và phốt pho rất tốt cho sức khoẻ tim mạch, đây có thể là nguồn thực phẩm tốt để kết hợp vào chế độ ăn kiêng DASH trong việc kiểm soát bệnh cao huyết áp.

Ngoài ra, quả điều là nguồn cung cấp dồi dào các chất chống oxy hóa tự nhiên, chẳng hạn như anthocyanin, flavonoid, flavon, carotenoids, axit gallic, axit protocatechuic, axit cinnamic liên hợp và axit cinnamic tự do. Các hợp chất này có tác dụng loại bỏ các loại oxy phản ứng (ROS) và ức chế sự hình thành gốc tự do, từ đó ngăn ngừa các bệnh tim mạch và tổn thương các thành phần tế bào.

– Chống viêm và kháng khuẩn

Các chất phytochemical như flavonoid, tannin và các axit khác trong quả điều đã được phát hiện là góp phần đáng kể vào đặc tính chống viêm, chống vi khuẩn và chữa lành vết thương của tế bào.

Sự hiện diện của các hợp chất hoạt tính sinh học và polyphenol trong quả điều giúp ức chế sự phát triển và hoạt động của vi sinh vật, hiệu quả trong việc chống lại sự phát triển của các loại vi khuẩn như Streptococcus spp, Micrococcus luteus, Salmonella typhimurium, Entrococcus faecalis, Streptococcus spp, và Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.

Không phải hạt điều, đây mới là bộ phận trên cây điều vừa giàu vitamin C lại mọng nước- Ảnh 2.

Các chất phytochemical trong quả điều có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn (Ảnh: ST)

– Ức chế sự phát triển tế bào ung thư

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hợp chất phenolic như axit anacardic và axit gallic trong quả điều có tác dụng gây độc tế bào và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở chuột.

Ngoài ra, các chất chống oxy hoá trong loại quả này cũng có tác dụng ngăn ngừa các tổn thương do gốc tự do gây ra, trong đó bao gồm cả ung thư.

– Tốt cho người bệnh tiểu đường

Theo nghiên cứu, chiết xuất từ quả điều rất giàu dẫn xuất của myricetin và quercetin. Những chất này có thể ức chế sự tích tụ chất béo và kháng insulin ở chuột béo phì. Nghiên cứu cũng xác định tác dụng giảm thiểu của quả điều đối với việc tăng cân, tích trữ chất béo, tăng đường huyết, tăng insulin máu và kháng insulin ở chuột béo phì.

Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây, liên quan đến việc cho chuột ăn chế độ ăn nhiều chất béo, đã quan sát thấy rằng: việc bổ sung chất xơ từ quả điều có hiệu quả trong việc kiểm soát cơn đói, thèm ăn, từ đó có thể ngăn ngừa lượng đường trong máu cao, tình trạng kháng insulin và lipid máu cũng như giảm tổn thương gan liên quan đến ăn kiêng.

Đặc biệt, Leucine – một axit amin chuỗi nhánh có hàm lượng lớn trong quả điều đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường tổng hợp cơ (đồng hóa) và ảnh hưởng đến hoạt động của insulin, do đó rất tốt trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu ở bệnh nhân thiểu cơ và người già.

– Ngăn ngừa vết loét trong dạ dày

Các nghiên cứu dược lý đã chứng minh khả năng của axit anacardic trong quả điều trong việc bảo vệ chống lại các vết loét dạ dày bằng cách ức chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

– Lợi ích khác

Ngoài các lợi ích nổi bật trên, quả điều còn đem lại nhiều tác dụng khác như:

– Hàm lượng khoáng chất trong quả điều cũng có thể hỗ trợ xương và hỗ trợ quá trình trao đổi chất cũng như các quá trình hoạt tính sinh học.

– Theo truyền thống, nước ép quả điều được sử dụng để điều trị viêm họng, cảm lạnh, ho và rối loạn tiêu hoá, bao gồm tiêu chảy, kiết lỵ.

– Quả điều có chứa các axit hữu cơ, trong đó có carotenoid. Trong 100g quả điều chứa khoảng 2,9–136 mg carotenoid, bao gồm chủ yếu là cryptoxanthin, zeaxanthin, lutein, β-carotene và α-carotene. Những chất này có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ, trong đó tốt cho cả thị lực.

Quả điều thường an toàn đối với hầu hết mọi người nhưng không loại bỏ nguy cơ dị ứng. Nếu sau khi ăn quả điều và bạn cảm thấy ngứa ran trong miệng, hắt hơi, khó thở, sưng lưỡi và cổ họng thì bạn có nguy cơ bị dị ứng với quả điều và cần đến bệnh viện ngay.

Ngoài ra, trong quả điều có chứa tannin – chất này góp phần tạo nên vị chát của quả điều. Tannin được coi là chất phản dinh dưỡng. Nếu ăn quá nhiều thực phẩm chứa tannin, có thể gây thiếu hụt chất dinh dưỡng và các vấn đề về đường tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy và táo bón. 

Vì vậy, mặc dù có nhiều lợi ích sức khoẻ, nhưng bạn nên ăn quả điều với lượng vừa phải, bổ sung thêm các loại trái cây khác để đa dạng nguồn dinh dưỡng cho cơ thể.

Nguồn: Onlinelibrary.wiley

Related Posts

Leave a Comment