Bác sĩ Otsuzu Ryoichi, bác sĩ điều trị ung thư nổi tiếng ở Nhật, dù đã 87 tuổi nhưng vẫn có sức khỏe dồi dào, không mắc bệnh mạn tính. Bí quyết hóa ra nằm ở chế độ dinh dưỡng.
Bác sĩ Otsuzu Ryoichi cho biết trong 30 năm qua, sức khỏe của ông vô cùng tốt, chưa từng bị cảm lạnh cũng như mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư, tim mạch. Bác sĩ cũng chia sẻ rằng ở độ tuổi 70, ông thậm chí còn có thể chạy bộ 1 quãng đường xa hơn so với khi còn trẻ.
Hiện tại, ở độ tuổi 87, bác sĩ Otsuzu vẫn tiếp tục làm việc, khám bệnh cho bệnh nhân. Khi được hỏi về bí quyết giúp duy trì sức khỏe, vị chuyên gia nói: “Thực chất bí quyết của tôi nằm ở chế độ ăn uống. Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể chúng ta duy trì sức khỏe có thể tạo ra năng lượng sống”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng tiền đề là bạn phải ăn những thứ mình thích. Bác sĩ nói: “Ăn một lượng nhỏ những gì mình thích là nền tảng giúp tôi tăng cường sức khỏe. Theo quan điểm của tôi, món ăn dù tốt cho sức khỏe đến đâu nhưng nếu bản thân không thích thì cũng không cần ép buộc”.
Ví dụ, nhiều chuyên gia khuyên mọi người nên ăn salad rau diếp để bổ sung thêm chất xơ. Tuy nhiên, bác sĩ Otsuzu Ryoichi lại nói: “Tôi không giỏi ăn rau diếp. Với tôi, rau diếp giống như thức ăn của châu chấu”.
Bác sĩ Otsuzu tin rằng điều quan trọng nhất của ẩm thực là sự phấn khích. Khi con người cảm thấy ngon miệng, sự phấn khích này sẽ tạo ra năng lượng sống và sức khỏe.
Về thói quen ăn uống ba bữa của mình, bác sĩ Otsuzu Ryoichi cho biết ông hầu như không ăn gì vào buổi sáng và chỉ uống một cốc cacao hoặc một tách trà kombucha. Buổi trưa ông sẽ ăn đồ ăn do bệnh viện chuẩn bị với dinh dưỡng khá cân bằng. Vào bữa tối, bác sĩ sẽ ăn những gì mình thích. Bác sĩ cho biết 3 món ăn dưới đây đã giúp ông duy trì sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng yếu cơ và giảm nguy cơ mắc bệnh.
3 món ăn giúp bác sĩ Otsuzu duy trì sức khỏe
1. Ăn canh rong biển đậu phụ
Bác sĩ Otsuzu cho biết đậu phụ là món ăn yêu thích của ông. Hàng ngày, bác sĩ đều sẽ nấu canh rong biển đậu phụ.
Vị chuyên gia giải thích, khi về già việc duy trì sức khỏe của xương khớp là vô cùng quan trọng. Do đó, việc bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho xương như canxi, phốt pho là vô cùng cần thiết. Đậu phụ và rong biển lại là 2 thực phẩm giàu dưỡng chất giúp xương chắc khỏe.
Không chỉ giúp tăng cường sức khỏe của xương, đậu phụ và rong biển cũng đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
– Đậu phụ chứa isoflavones, có thể giúp giảm mức cholesterol xấu (LDL), giảm xơ vữa động mạch và tình trạng cao huyết áp. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiêu thụ đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (đậu phụ) hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng isoflavone trong đậu phụ có thể cải thiện trí nhớ, tốt cho não bộ, ngăn ngừa suy giảm trí nhớ và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
– Rong biển lại là một loại thực phẩm giàu chất xơ và các khoáng chất quan trọng như sắt, canxi, folate và magie. Các chất dinh dưỡng này có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tăng huyết áp và tiểu đường loại 2. Rong biển cũng chứa các chất chống oxy hóa như fucoxanthin và fucoidan, cả hai đều có đặc tính chống viêm, chống lão hóa và phòng ngừa ung thư.
2. Ăn các loại cá theo mùa
Ngoài món canh đậu phụ rong biển, bác sĩ Otsuzu còn đặc biệt thích ăn cá. Ông cho biết: “Tôi thường ăn cá theo mùa nhưng tôi thích nhất là ăn cá ngừ”.
Bác sĩ Otsuzu giải thích rằng các loại cá rất giàu protein và axit béo như omega-3. Protein đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng mất cơ và loãng xương. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) chỉ ra rằng những bệnh nhân cao tuổi tăng cường bổ sung protein có thể giảm 33% nguy cơ gãy xương. Bác sĩ Fujiki Ishihara, giám đốc Phòng khám Kitashin Sagawa Fuji ở Nhật Bản cũng cho rằng bổ sung protein có thể tăng cường cơ bắp. Kết hợp bổ sung protein và canxi có thể giúp ngăn ngừa tình trạng gãy xương.
Ngoài ra, axit béo như omega-3 trong cá cũng giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Trong một nghiên cứu trên hơn 40.000 nam giới ở Hoa Kỳ, những người thường xuyên ăn ít nhất một khẩu phần cá mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 15%.
3. Ăn 1 lượng cơm trắng vừa đủ
Nhiều người có xu hướng ăn ít cơm trắng hơn để giảm cân nhưng bác sĩ Otsuzu cho biết ông vẫn thích kết cấu và mùi vị của cơm trắng. Để tăng giá trị dinh dưỡng cho cơm trắng, ông thường nấu cơm cùng với cà rốt, măng, các loại hạt và một số nguyên liệu khác.
Các chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới cho biết cơm trắng là nguồn cung cấp carbohydrate – nhiên liệu chính cho cơ thể. Một số loại gạo thậm chí còn được tăng cường bổ sung vitamin B. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients, tất cả các vitamin B, ngoại trừ folate (vitamin B9), đều tham gia vào ít nhất một bước trong quá trình sản xuất năng lượng trong tế bào. Do đó, ăn cơm giúp sản xuất năng lượng của cơ thể. Ăn ít cơm hoặc không ăn cơm có thể có tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất và sức khỏe nói chung.
Bác sĩ Otsuzu cho biết việc kiêng cơm hoàn toàn thậm chí còn có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết, khiến não bộ trì trệ, hay quên, cơ thể mệt mỏi, uể oải, chóng mặt đau đầu.
Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng khi ăn cơm trắng, mọi người nên ăn lượng cơm vừa đủ, không ăn quá nhiều và ăn cơm cùng với các loại rau củ, các thực phẩm bổ sung protein để bổ sung đa dạng dinh dưỡng cho cơ thể.