Đây là loại cây được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao trên thế giới do tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thức ăn hoặc thuốc, rất tốt cho sức khỏe.
Loại “cây vạn năng” được sử dụng từ hơn 4.000 năm trước
Nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho hay, chùm ngây có tên gọi khác là cây thần diệu, cây kỳ quan, cây vạn năng, cây độ sinh, cây cải ngựa, cây dùi trống (do thân quả giống dùi trống), cây dầu bel… Chùm ngây có tên khoa học là Moringa Oleifera Lam (M. Pterygosperum Gaertn) thuộc họ Chùm ngây – Moringaceae.
Chùm ngây là loại cây thân gỗ, cao, được phát hiện và sử dụng từ hơn 4.000 năm trước. Trước đây, cây mọc hoang ở Việt Nam nhưng hiện nay, cây đã được trồng ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam và Nam Trung Bộ.
Ngoài ra, cây chùm ngây cũng được trồng, khai thác, sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới do có giá trị kinh tế cao.
Ông Sáng cho hay, các nghiên cứu về chùm ngây đa số được thực hiện ở Ấn độ, Philippines và châu Phi. Chùm ngây được xem là loại “cây vạn năng”, hữu dụng bậc nhất thế giới vì hầu hết các bộ phận trên cây chùm ngây đều có thể dùng làm thức ăn.
Các bộ phận của cây chùm ngây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu chất đạm, vitamin, beta-caroten, axit amin và nhiều hợp chất phenol. Cây cung cấp nhiều hợp chất hiếm như: Zeatin, Quercetin, alpha-sitosterol, Cafeoylquinic acid và Kaempferol.
Một số nghiên cứu cho biết cây chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng, bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại axit amin, 46 chất chống oxy hóa, và một lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, kháng sinh, kháng độc tố giúp bảo vệ gan, ngăn ngừa ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, ổn định huyết áp, hạ choresterol.
“Lá của cây chùm ngây có chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn hoa và quả (tính theo trọng lượng). Trong đó, lá chùm ngây có lượng vitamin C cao gấp 7 lần cam, lượng vitamin A cao gấp 4 lần cà rốt, lượng canxi cao gấp 4 lần lượng sữa, chất sắt cao gấp 4 lần cải bó xôi, chất đạm cao gấp 2 lần sữa chua và lượng kali cao gấp 3 lần quả chuối chín”, ông Sáng cung cấp.
Theo ông Sáng lá non, hoa, các nhánh non của chùm ngây đều chứa nhiều chất dinh dưỡng và các yếu tố vi lượng. Các bộ phận này có thể làm thực phẩm cho người, giúp ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi chế biến thành thức ăn, mọi người cần phải nấu chín chùm ngây.
Lá non của cây chùm ngây được sử dụng để nấu canh với thịt, tôm, nấm. Lá chùm ngây phơi khô, tán bột có thể bảo quản trong thời gian dài mà không bị mất dinh dưỡng, thường được sử dụng để pha nước uống hoặc cho vào các món ăn.
Hoa chùm ngây có nhiều mật ngọt và giàu dinh dưỡng, có thể dùng làm thức ăn hoặc phơi khô nấu nước uống như một loại trà.
Làm thuốc từ chùm ngây
Trong y học cổ truyền, rễ (củ) và toàn bộ cây chùm ngây (lá, hoa, quả, hạt, vỏ cây) đều được dùng làm thuốc.
Ông Sáng cho biết rễ chùm ngây có tính kích thích, hoạt huyết, thông phủ khí (gây trung tiện), tốt cho hệ tiêu hóa, trợ tim và có lợi cho hệ tuần hoàn, có tác dụng tốt với hệ thần kinh.
– Quả, hạt chùm ngây có tác dụng giảm đau.
– Hoa cây chùm ngây giúp kích thích, tăng ham muốn tình dục.
– Dịch màu trắng chảy ra từ thân cây chùm ngây cũng có tác dụng giảm đau nhức.
– Vỏ cây chùm ngây có tính kháng khuẩn, lợi niệu nên thường được dùng trong điều trị bệnh lậu.
Tại Ấn Độ, chùm ngây được sử dụng làm thuốc giảm đau, hạ sốt; thuốc hoạt huyết trong điều trị liệt và thấp khớp mạn tính; chữa động kinh, trợ tim, bổ tuần hoàn, suy nhược thần kinh khi choáng ngất hoặc dùng làm thuốc chống co thắt ruột, đầy hơi.
Ở Campuchia, vỏ rễ cây chùm ngây được dùng làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ để trừ huyết ứ, sót nhau và giúp hồi sức nhanh chóng.
Tại Thái Lan, thân cây chùm ngây được dùng làm thuốc thông hơi; quả cây chùm ngây dùng chữa bệnh can tỳ vị, đau khớp, uốn ván và chứng yếu liệt; hạt chùm ngây dùng để chữa bệnh hoa liễu.
Mặc dù chùm ngây đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng ông Sáng lưu ý, phụ nữ mang thai không nên dùng loại cây này.