Ăn rau xanh hàng ngày là một điều tốt cho chế độ ăn uống lành mạnh, tuy nhiên, không phải loại rau nào bạn cũng có thể ăn hàng ngày.
Rau có lượng calo thấp và nhiều chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu và vòng eo của bạn. Rau có vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác giúp ngăn ngừa các bệnh như bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị nên ăn tối thiểu 2,5 cốc rau mỗi ngày, đặc biệt là các loại rau có màu xanh đậm, đỏ và cam.
Mặc dù điều đó mang lại cho bạn nhiều lựa chọn để bổ sung rau hàng ngày, nhưng bạn có thể có một số loại rau mà bạn thích hơn những loại khác. Tuy nhiên, lựa chọn đúng loại rau ưa thích cũng là một điều rất quan trọng. Một số loại rau có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm, tăng lượng đường trong máu hoặc tăng nguy cơ sỏi thận.
Dưới đây là 2 loại rau bạn không nên ăn hàng ngày.
Rau củ giàu oxalate có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận
Oxalate là những hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong một số thực phẩm có khả năng liên kết với các khoáng chất trong cơ thể bạn và mặc dù chúng không hẳn là xấu nhưng lượng oxalate cao có thể gây ra vấn đề cho những người mắc bệnh thận hoặc sỏi thận. Hầu hết sỏi thận là sỏi canxi oxalat và chúng phát triển khi lượng oxalate dư thừa liên kết với canxi trong thận của bạn. Các loại rau có hàm lượng oxalate cao là rau bina, khoai tây và củ cải đường.
Nếu bạn yêu thích rau bina hoặc các thực phẩm khác chứa nhiều oxalate, việc chần (trụng) những thực phẩm này có thể làm giảm lượng oxalate. Để ngăn ngừa sỏi thận canxi oxalat, hãy kết hợp thực phẩm có hàm lượng oxalate cao với thực phẩm giàu canxi. Canxi trong bữa ăn của bạn sẽ liên kết với oxalate và đi qua hệ thống tiêu hóa trước khi chúng đến thận.
Các loại rau có thể gây viêm hoặc tăng lượng đường trong máu của bạn
Một số người gặp khó khăn trong việc tiêu hóa các loại rau củ có chất độc gọi là solanine có thể gây ra vấn đề nếu ăn phải một lượng lớn. Khoai tây, cà chua, cà tím và ớt đều là những loại rau thuộc nhóm này, họ Cà.
Đối với hầu hết mọi người, rau quả họ Cà có thể cung cấp nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, nhưng đối với một số người mắc các bệnh tự miễn dịch như bệnh viêm ruột, ăn chúng có thể có tác dụng phụ nguy hiểm khiến các triệu chứng của họ trở nên trầm trọng hơn. Một số người cũng tin rằng rau quả họ Cà kích hoạt tình trạng viêm có thể gây đau khớp, nhưng Tổ chức Viêm khớp Hoa Kỳ cho biết có rất ít nghiên cứu ủng hộ mối liên hệ này.
Mọi người có thể bị dị ứng hoặc nhạy cảm với rau quả họ Cà, vì vậy bạn nên thử loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn uống của mình để xem tình trạng có cải thiện hay không.
Rau thường có chỉ số đường huyết (GI) thấp, có nghĩa là chúng được tiêu hóa chậm hơn và ít gây tăng đột biến lượng đường trong máu của bạn. Tuy nhiên, cà rốt, khoai tây và bí ngô có thể có GI cao hơn. Cà rốt nấu chín có GI là 85, khoai tây luộc có thể đạt 70 và bí ngô luộc có GI là 75.
Dù vậy, chúng có làm tăng lượng đường trong máu của bạn nhanh chóng hay không còn phụ thuộc vào lượng tiêu thụ nữa.
Nguồn và ảnh: Health Digest