Đây là một cây dược liệu và từng được ví như “nhân sâm của người nghèo”.
Đẳng sâm tên khoa học là Codonopsis sp, là loài thân cỏ, dây leo, sống lâu năm. Ở Việt Nam, loại cây này mọc nhiều nhất ở các vùng núi cao như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình,… Rễ cây phình ra phát triển thành củ mọc sâu dưới lòng đất, hình dạng khá giống củ nhân sâm. Đây cũng là bộ phận có giá trị của cây, được dùng như một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền.
Củ, rễ được thu hoạch vào sau mùa đông, có thể được dùng tươi, phơi khô hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ thấp. Theo Đông y, rễ củ cây đẳng sâm có vị ngọt, tính bình, mang lại nhiều công dụng vàng cho sức khỏe. Dưới đây là những công dụng nổi bật của loại cây này.
1. Hạ đường huyết
Theo nghiên cứu, trong củ đẳng sâm có thành phần polisaccarit được chứng minh giúp tăng cường khả năng kháng insulin nên giúp hạ đường huyết ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, đảng sâm còn có đặc tính kháng viêm nhờ vào thành phần saponin, giúp ngăn ngừa quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn, chống lại các phản ứng viêm. Nhờ đó mà củ đằng sâm còn có thể giảm được các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường một cách hiệu quả.
2. Chống ung thư
Nghiên cứu còn cho thấy polisaccarit có tác dụng ức chế sự hình thành và phát triển của các tế bào khối u. Do đó, vị thuốc này có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư biểu mô dạ dày, ung thư biểu mô tế bào gan hay ung thư phổi. Bên cạnh đó, polisaccarit trong đẳng sâm còn được chứng minh có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do, tăng cường miễn dịch và phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính. Do đó, vị thuốc này còn được xem là thần dược giúp kéo dài tuổi thọ hiệu quả.
3. Ngăn ngừa thiếu máu
Đẳng sâm có công dụng làm tăng số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, làm giảm số lượng bạch cầu, làm tăng nhanh máu đông khô mà không có tác dụng tán huyết. Nhờ đó, vị thuốc này giúp giảm và phòng ngừa thiếu máu, kích thích lưu thông tuần hoàn máu đến khắp cơ thể giúp chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh.
4. Tốt cho gan
Y học hiện đại đã chứng minh tác dụng của đẳng sâm trong việc bảo vệ gan, đặc biệt là gan chịu nhiều tổn thương do rượu bia. Theo đó, sử dụng các chiết xuất từ đẳng sâm có tác dụng bảo vệ gan, phục hồi chức năng gan ở những bệnh nhân bị viêm gan do rượu, giúp người bệnh hạn chế được nguy cơ dẫn đến bệnh gan mạn tính, nâng cao đời sống người bệnh.
5. Củng cố hệ miễn dịch
Đẳng sâm cũng là vị thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể nhờ vào tác dụng gia tăng số lượng bạch cầu và kháng thể, từ đó giúp cơ thể chống lại vi sinh vật và các yếu tố gây bệnh cho cơ thể.
Ngoài ra, vị thuốc này còn kích thích cơ thể sản xuất nhiều interferon giúp chống lại virus hiệu quả. Từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh và hệ miễn dịch tốt hơn.
6. Bổ não
Theo Đông y, đẳng sâm khi kết hợp với bạch quả sẽ giúp tăng cường chức năng não bộ, tinh thần minh mẫn, từ đó khiến hiệu quả học tập và công việc được cải thiện hơn. Không chỉ người trẻ thường xuyên làm việc và học tập căng thẳng, vị thuốc này cũng rất phù cho người lớn tuổi nhờ tác dụng hỗ trợ tuần hoàn máu não.
Với nhiều lợi ích như trên, đẳng sâm được nhiều người dùng để hầm canh, nấu cháo, nấu các món ăn bổ dưỡng giúp tăng cường thể lực, phục hồi sức khỏe. Một số món ngon nấu từ đẳng sâm bạn có thể tham khảo như: Gà hầm đẳng sâm, bò hầm đẳng sâm, canh đẳng sâm nấu hàu, cháo đẳng sâm,…
Theo các chuyên gia, đẳng sâm khi kết hợp với các vị thuốc Đông y khác sẽ cho ra những bài thuốc chữa bệnh, bồi bổ cơ thể hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi sử dụng đẳng sâm với mục đích chữa bệnh, người dùng nên tham khảo qua ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Lưu ý không tự ý kết hợp và sử dụng đẳng sâm mà không theo công thức hay bài thuốc chuẩn.
(Tổng hợp)