Bên cạnh việc bổ sung canxi đúng cách, chúng ta còn phải biết tránh những thực phẩm dễ làm “rỗng xương” trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Chúng ta đều biết rằng việc bổ sung canxi là rất quan trọng với sức khỏe xương khớp. Thực phẩm là nguồn cung cấp canxi phổ biến và dễ dàng, nhưng cần phải hiểu rằng nó cũng như con dao hai lưỡi với sức khỏe. Tức là có những thực phẩm ăn vào giúp bổ sung canxi nhưng cũng có những món ăn, nước uống âm thầm “đánh cắp” canxi là làm hại cơ thể.
Trong đó có 3 loại nước uống rất nhiều người mê, thậm chí cho rằng tốt cho sức khỏe của xương nhưng thực tế thì ngược lại:
1. Nước ngọt có ga
Bác sĩ Jung Se Yeon (Hàn Quốc) cho biết, nước ngọt có ga được rất nhiều người yêu thích nhưng thật không may, nó chưa bao giờ nằm trong nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nếu uống quá nhiều, nó thậm chí còn kéo theo rất nhiều bệnh tật, bao gồm cả loãng xương.
“Nước ngọt có ga chứa nhiều photpho và đường nên nếu uống quá nhiều sẽ gây hại cho xương. Photpho cần thiết nhưng khi dư thừa sẽ cản trở sự hấp thụ canxi của cơ thể, dẫn đến tình trạng mất cân bằng và thiếu hụt canxi. Quá nhiều photpho ảnh hưởng đến việc tiết hormone tuyến cận giáp trong cơ thể con người, dẫn đến hiệu quả hấp thụ canxi của cơ thể giảm sút.
Tương tự, trong quá trình chuyển hóa và tiêu thụ đường từ nước ngọt, cơ thể phải đốt cháy lượng lớn khoáng chất thiết yếu như magie, kẽm, natri… đặc biệt là canxi. Để có thể bù lại lượng canxi trong máu thì xương phải giải phóng canxi và tất yếu dẫn tới quá trình loãng xương, gãy xương” – bà nói.
2. Đồ uống có hàm lượng caffeine cao
Các loại đồ uống chứa caffeine phổ biến bao gồm cà phê, trà xanh, trà đen, nước tăng lực, nước uống có socola… Theo bác sĩ Zheng Zhaoan (Đài Loan, Trung Quốc) mặc dù những đồ uống này có thể giúp bạn sảng khoái, tỉnh táo nhất thời nhưng uống quá nhiều thì cũng không tốt cho sức khỏe ở các mức độ khác nhau.
Ví dụ như chúng có thể cản trở quá trình hấp thụ vitamin và khoáng chất và do tác dụng lợi tiểu của caffeine. Các chất dinh dưỡng của cơ thể dễ dàng được đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và canxi cũng không ngoại lệ.
Ông cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ hơn 330mg caffeine mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Trong khi xét 1 lon nước tăng lực 250ml chứa khoảng 80mg caffeine, mộc ly cà phê 250ml là 90 – 100mg caffeine, 200 ml trà xanh có 22mg caffeine, 200ml trà đen có 47mg caffeine. Với phụ nữ mãn kinh, người cao tuổi thì mật độ xương giảm, nội tiết tố thay đổi và dễ loãng xương hơn nên lượng tiêu thụ đồ uống chứa caffeine càng cần giảm đi nhiều hơn.
“Việc hấp thụ quá nhiều caffein vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi ở 1 mức độ nhất định, đồng thời nó cũng đẩy nhanh quá trình mất canxi.
Điều này là do caffeine có tính kích thích, không chỉ giữ cho trung khu thần kinh của con người luôn ở trong trạng thái hưng phấn mà còn thúc đẩy quá trình co mạch. Sau khi mạch máu co lại, lượng nước tiểu trong cơ thể sẽ tăng lên, canxi trong đó cũng tăng lên và bị đào thải ra bên ngoài” – bác sĩ Zheng giải thích.
3. Nước hầm xương
“Rất nhiều người cho rằng uống càng nhiều nước hầm xương, đặc biệt là xương càng lớn thì càng bổ sung được nhiều canxi và dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Thậm chí, dùng quá nhiều nước hầm xương còn có thể làm giảm hiệu quả hấp thụ canxi của cơ thể” – bác sĩ Kim Min Sun (Hàn Quốc) cho biết.
Thực tế, hàm lượng dinh dưỡng trong nước hầm xương khá nghèo nàn. Vị ngọt của nước hầm xương không phải thể hiện sự bổ dưỡng mà đó là sự kết hợp của glutamin có trong thịt và xương cùng muối (có sẵn trong thwucj phẩm + nêm nếm) tạo ra một chất có vị ngọt đặc biệt tên là monosodium glutamate.
Trong nước hầm xương có tìm thấy một số lượng ít các chất khoáng như: canxi, magie… Nhưng nếu so với thực phẩm khác như sữa, trứng, cá, các loại hạt… thì nghèo nàn hơn nhiều. Hàm lượng canxi trong 100ml nước hầm xương chỉ khoảng 2mg nhưng 200ml sữa có 200mg canxi.
Chưa kể, bác sĩ Kim nhấn mạnh rằng: “Lượng canxi trong nước hầm xương đã thấp lại ở dạng vô cơ nên không dễ hấp thu, nhất là đối với trẻ em và người già. Nếu thường xuyên cho con ăn nước hầm xương, bé sẽ bị thiếu canxi dẫn đến còi xương, chậm mọc răng…
Trong khi đó, nước hầm xương cũng có hàm lượng photpho tương đối cao. Cụ thể, 400ml nước hầm xương chứa tới 113mg photpho. Và như đã biết, dư thừa photpho gây rối loạn hormone tuyến cận giáp, cản trở sự hấp thụ canxi của cơ thể, dẫn đến tình trạng mất cân bằng và thiếu hụt canxi”.
Bà nhắc nhở rằng nên loại bỏ huyết, mỡ động vật sư thừa và tránh cho nhiều muối khi hầm xương. Bởi chúng làm món ăn này nhiều chất béo, tăng cholesterol và thừa muối dẫn tới mất canxi do quá trình cơ thể tăng bài tiết natri.
Nguồn và ảnh: Good Morning Health, Eat This