Rau dền cơm, rau má, rau ngải cứu… không cần chăm bón nhiều nhưng mọc rất tốt và được các lương y sử dụng làm thuốc.
Báo VietNamNet dẫn nguồn cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi cung cấp nhiều thông tin thú vị về tác dụng của các loại cây xung quanh ta. Dưới đây là 5 loại rau mọc hoang hoặc rất dễ trồng có thể dùng làm thuốc, lưu ý bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ Đông y trước khi sử dụng.
Rau sam
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Phương Thảo cho biết, rau sam là loại rau dân dã, quen thuộc trong đời sống của người Việt Nam nhưng không phải ai cũng biết nó còn là vị thuốc quý có thể hỗ trợ chữa nhiều loại bệnh. Bộ phận dùng là toàn cây.
Trong 100g rau chứa 92g nước; 1,7g protein; 0,4g chất béo; 3,8g carbohydrate; 103mg Ca; 39mg P; 3,6mg Fe; 0,03mg vitamin B1; 25mg vitamin C; 2.550 đơn vị quốc tế vitamin A. Toàn cây có coumarin (các sắc tố nhóm betacyanidin), flavonoid, glucoside… và chất nhầy. Cây mọc ở vùng có thổ nhưỡng khác nhau có lượng calci oxalate hay nitrat khác nhau.
Theo Đông y, rau sam vị chua, tính lạnh, vào đại tràng, can và thận. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát máu, tán huyết tiêu thũng. Trị hội chứng lỵ, viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu (tiểu giắt buốt, tiểu ra huyết và cặn sỏi), mụn nhọt lở ngứa. Ngày dùng 60 – 200g tươi (hoặc 15 – 40g khô); bằng cách nấu, luộc, ép nước.
Rau diếp cá
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ – Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết, cây rau diếp cá còn có tên là rấp cá, diếp cá, giấp cá, dấp cá, ngư tinh thảo. Tên khoa học là Houttuynia cordata. Họ lá giấp Saururaceae. Diếp cá được trồng hoặc tự mọc ở rất nhiều nơi. Đây là cây rất dễ tìm kiếm và giá thành rẻ.
Thành phần hóa học của cây rau diếp cá: Toàn cây diếp cá có chứa tinh dầu. Thành phần chủ yếu là aldehyd. Ngoài ra diếp cá còn chứa acid caprinic, laurinaldehyd, benzamid, acid decanoic, lipid và vitamin K… Lá diếp cá có chứa β-sitosterol, alcaloid.
Công dụng của rau diếp cá: Rau diếp cá có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Diếp cá được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều. Còn dùng trị sốt rét, sài giật ở trẻ em, đau răng.
Rau dền cơm
Dền cơm chứa nhiều chất bổ, như vitamin C, B1, B2, vitamin PP, carotene, các hợp chất ethylcholesterol, dehydrocholesterol… Lá và cành non dền cơm nấu canh tác dụng tiêu viêm, giải độc; trị mụn nhọt và lỵ. Hạt dền cơm có vị ngọt, tính hàn, tác dụng mát gan, thanh nhiệt, ích khí, sáng mắt. Các bài thuốc thường sử dụng hạt dền sắc uống.
Dền đỏ dùng vỏ cây sắc uống chữa kinh nguyệt không đều, thiếu máu, lá cây sắc uống chữa đau nhức, tê thấp. Vỏ cây dền tán bột hoặc ngâm rượu dùng làm thuốc bổ, chữa sốt rét.
Rau má
Rau má còn gọi là tích tuyết thảo, liên tiền thảo, thuộc họ hoa tán. Cây mọc hoang ở các nước nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Khi tươi, cây vị đắng, hơi khó chịu, thu hái quanh năm. Theo Đông y, rau má có tính bình, không độc, giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, dùng chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, lợi sữa, có thể dùng phối hợp với nhọ nồi để cầm máu. Các bài thuốc thường sử dụng lá tươi vò nát lấy nước uống.
Ngải cứu
Ngải cứu còn gọi là thuốc cứu, thuốc cao, ngải diệp, nhả ngải, thuộc họ cúc. Cây mọc hoang ở nhiều nơi.
Trong ngải cứu có tinh dầu, tanin, adenin, cholin. Theo Đông y, đây là vị thuốc tính ôn, vị cay, dùng làm thuốc ôn khí huyết, điều kinh, an thai, chữa đau bụng do hàn, kinh nguyệt không đều, thai động không yên, thổ huyết, máu cam. Ngoài ra, ngải cứu còn được dùng làm thuốc chữa bất ổn tiêu hóa, đau bụng, nôn mửa, thuốc giun, sốt rét. Người dân có thể sắc ngải cứu với nước, hãm với nước sôi, uống dạng bột, thuốc cao đặc.
Trên đây là 5 loại rau mọc dại được lương y dùng làm thuốc. Những loại rau này đều rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sử dụng các loại rau này để chữa bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng.