Một số loại thực phẩm, gia vị, đồ uống quen thuộc có thể giúp bạn thưởng thức mâm cỗ Tết mà bớt lo về tình trạng rối loạn mỡ máu.
Rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu), dân gian hay gọi là “máu nhiễm mỡ”, “mỡ máu cao” thường được đặc trưng bởi mức cholesterol toàn phần, cholesterol xấu LDL và triglyceride (chất béo trung tính) cao vượt ngưỡng, trong khi cholesterol tốt HDL lại thấp.
Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình trạng này.
1. Hãy thêm cà chua
Loại quả cực kỳ phổ biến đối với ẩm thực nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, có tác động bất ngờ trong việc ổn định nhiều chỉ số mỡ máu: Giúp giảm cholesterol xấu và triglyceride, tăng cholesterol tốt.
Điều này được chứng minh thông qua một nghiên cứu từ Đại học Palermo (Ý).
Trước đó, một nghiên cứu đa trung tâm từ Tây Ban Nha chứng minh cà chua được nấu chín thành sốt sệt soffritt giúp giảm nguy cơ đột quỵ do huyết khối; còn nhóm từ Đại học Cornell (Mỹ) thì chứng minh cà chua giúp loại bỏ bớt Salmonella (vi khuẩn thương hàn).
Vì vậy, thêm vào món ăn ngày Tết ít sắc đỏ từ cà chua – ví dụ nấu canh, kho cá, kho đậu hũ, xào rau với loại quả này – có thể nói là lợi đủ đường.
2. Một chút thanh đạm với chao, đậu hũ, dưa cải
Món ăn từ những mâm cúng chay khá phổ biến dịp Tết có thể là thần dược cho người bị máu nhiễm mỡ.
Một nghiên cứu từ Đại học Tứ Xuyên và Trường Đại học Y khoa Tây Nam (Trung Quốc) cho thấy các loại thực phẩm làm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu hũ, chao, natto… đều có ảnh hưởng ở mức độ khác nhau lên nhóm bệnh tiểu đường, tim mạch, chuyển hóa, ung thư…
Isoflavone, một flavonoid có trong đậu nành có thể giúp giảm các chỉ số mỡ máu hiệu quả nhất là triglyceride, ngoài ra còn giúp giảm đường huyết, điều chỉnh chức năng tuyến tụy, tăng cường chức năng nội mô, giảm huyết áp..
Trước đó, nghiên cứu khác từ Đại học Srinakharinwirot, Bệnh viện Vajira thuộc Đại học Navamindradhiraj, Đại học Burapha (Thái Lan) cho thấy men vi sinh trong chao và sữa chua có thể giúp hạ mỡ máu đáng kể.
Ngoài ra bạn cũng có thể nạp men vi sinh thông qua kim chi, miso, sữa chua kefir, rau dưa muối lên men các loại…
3. “Bộ tứ” thần kỳ
Nghiên cứu đến từ TS Cédric Langhi từ Trung tâm R&D Riom (Pháp) và các cộng sự từ nhiều viện, trường tại Pháp, Hà Lan cho thấy ba thứ mà người Việt hay dùng để gia tăng hương vị cho một số món ăn, hãm trà hay làm thuốc đông y có chứa Totum-70.
Đó là hợp chất tự nhiên có thể giúp giảm chỉ số cholesterol toàn phần, cholesterol xấu LDL và cả triglyceride (chất béo trung tính) một cách thần kỳ.
Bốn cái tên quen thuộc đó là tiêu, câu kỷ, cúc tần và atiso. Ngoài ra lá ô liu cũng có tác dụng tương tự.
Các thử nghiệm trên các con chuột bị làm cho rối loạn mỡ máu cho thấy chế độ ăn có Totum-070 tác động lên tế bào ruột Caco2, từ đó ức chế sự hấp thu cholesterol, cũng như cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột.
4. Ăn lựu: May mắn nhân đôi
Loại quả có sắc màu đỏ may mắn, được nhiều người châu Á thêm vào đĩa trái cây Tết, thậm chí cắt cành cắm chưng, là một khắc tinh khác của mỡ máu.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Sultan Moulay Slimane (Morocco) và Đại học Sherbrooke (Canada) chứng minh loại quả này giúp giảm cholesterol toàn phần, cholesterol xấu lẫn triglyceride hiệu quả, chưa kể còn giúp kiểm soát đường huyết.
Vì vậy, đó là lựa chọn tốt cho cả người bị máu nhiễm mỡ lẫn người bị tiểu đường, tiền tiểu đường.
5. Mỗi ngày vài tách trà
Trà xanh hay trà đen đều có lợi cho người mỡ máu cao.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học y tế Shahid Sadoughi (Iran) chứng minh rằng chỉ với 3 ly trà xanh mỗi ngày (tương đương 7,5 g lá trà), người bị máu nhiễm mỡ và tiểu đường sẽ hưởng lợi.
Trong khi đó, nhóm khoa học gia từ Đại học Jiliang ở Hàng Châu – Trung Quốc chỉ ra hợp chất theabrownin, dồi dào trong trà đen, loại trà “truyền thống” mà nhiều người dân châu Á ưa chuộng, giúp giảm mỡ máu và gan nhiễm mỡ cực tốt.
Hợp chất hoạt tính sính học theabrownin có nhiều trong trà đen hơn trà xanh, trà ô long nhờ quá trình lên men sâu lá trà.