Không chỉ là thức uống quen thuộc, các loại trà sau vừa có thể phòng, chữa bệnh, giải nhiệt trong mùa nắng nóng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, cho biết các loại trà người Việt dùng không những là thức uống đơn thuần mà còn có tác dụng phòng và chữa bệnh.
Trà xanh
Thành phần chính trong trà gồm nhóm hợp chất polyphenol có khả năng ức chế các gốc tự do oxy, do đó có tác dụng chống được các bệnh ung thư và làm chậm quá trình lão hóa.
Trong trà còn có caffeine kích thích nhẹ thần kinh trung ương, hệ hô hấp và tim mạch, tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu, kích thích hoạt động của thận và tăng cường sự lưu thông máu. Nhờ đó giúp cơ thể nhanh chóng thải bỏ các sản phẩm thừa của sự trao đổi chất, tăng cường sự trao đổi chất và sự hấp thụ oxy trong cơ thể.
Theo y học cổ truyền, trà xanh có tác dụng thanh nhiệt giải khát, tiêu hóa tốt, lợi tiểu, định thần. Dùng ngoài nấu nước ngâm rửa vết bỏng hay lở loét có tác dụng sát khuẩn, chóng lên da non.
Trà vối
Ở nước ta, từ lâu, cây vối (lá, nụ, vỏ, rễ) được người dân dùng làm trà uống giải khát. Lá vối tác dụng kiện tì, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng, chát trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, tinh dầu vối có tính kháng khuẩn nhưng đặc biệt không hại vi khuẩn có ích trong ruột.
Theo đông y, vối vị hơi chát, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, sát khuẩn. Dân gian thường dùng lá, vỏ, thân, hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính.
Trà hoa cúc
Cúc hoa còn gọi là cam cúc hoa, bạch cúc hoa, cúc hoa trắng, cúc điểm vàng, tên khoa học chrysanthemum sinense sabine. Thành phần chủ yếu trong tinh dầu hoa cúc là bisabolol (levomenol), là hoạt chất có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Bisabolol tác dụng chống kích ứng, chống viêm và chống vi khuẩn, đẹp da. Chúng được dùng như thành phần dưỡng da, giúp giảm bong tróc và kích thích quá trình tự phục hồi của da.
Nhiều nghiên cứu chứng minh hoa cúc chứa apigenin, một chất tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng. Cây hoa cúc được trồng nhiều ở nước ta để lấy hoa làm thuốc hay ướp chè, nấu rượu.
Theo tài liệu cổ, hoa cúc trắng có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, cúc hoa vàng có vị đắng cay, tính ôn vào 3 kinh phế, can và thận, tác dụng giải độc, dùng chữa hoa mắt, nhức đầu, mắt đỏ đau, mụn nhọt.
Trà atiso
Atiso tác dụng hạ cholesterol và urê trong máu, tạo mật, tăng tiết mật, lợi tiểu, thường được làm thuốc thông mật, thông tiểu tiện, chữa các chứng bệnh về gan, thận.
Atiso đã được sử dụng trong y học cổ truyền từ nhiều thế kỷ cho việc khắc phục các vấn đề cụ thể của lá gan và túi mật. Tại châu Âu, nó cũng được sử dụng cho các rối loạn về gan và túi mật.
Lưu ý khi uống trà
Bác sĩ Vũ lưu ý, khi uống trà, cần nhớ những nguyên tắc sau:
– Tránh uống trà khi đói: Lý do là bởi trà sẽ xâm nhập phế làm cho tỳ vị của bạn bị lạnh. Bạn dễ rơi vào tình trạng cồn cào, nôn nao, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt…Điều này rất nguy hiểm cho cơ thể.
– Tránh uống trà lạnh: Trà lạnh có thể gây đình trệ khí, khiến bạn phát sinh nhiều đờm tiết.
– Tránh pha trà để quá lâu: Trà để lâu dễ bị ôxy hóa, nhiễm vi khuẩn có hại.
– Tránh pha trà lại nhiều lần: Khi đó các nguyên tố vi lượng có trong trà sẽ không còn.
– Tránh uống trà trước bữa ăn: Nước trà sẽ làm loãng dịch vị của bạn.
– Tránh uống trà ngay sau bữa ăn: Axit tannic trong lá trà sẽ làm cho protein trong thức ăn trở nên cứng, hơn nữa, nước chè cũng ức chế sự hấp thụ chất sắt. Hãy uống chè xanh sau khi ăn khoảng 30 phút, điều này sẽ có lợi cho sức khỏe.