Sức khỏe của gan phụ thuộc rất nhiều vào thói quen ăn uống hằng ngày. Đôi khi, đồ uống vốn tốt nhưng uống quá nhiều hay pha sai cách có thể trở thành gánh nặng cho gan.
Gan là cơ quan quan trọng, đóng vai trò thải độc, chuyển hóa chất béo và tổng hợp protein. Tuy nhiên, thói quen tiêu thụ một số loại đồ uống phổ biến có thể khiến gan chịu tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ và làm tăng nguy cơ ung thư gan. Nếu không muốn điều này xảy ra, có 4 loại đồ uống bạn nên học cách kiểm soát liều lượng hoặc tránh càng xa càng tốt:
1. Nước ngọt có ga
Nước ngọt có ga là loại đồ uống chứa lượng lớn đường, đặc biệt là fructose dạng siro. Một nghiên cứu của Đại học Tufts (Mỹ) cho thấy, việc tiêu thụ loại đường này thường xuyên gây tích tụ chất béo trong gan, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Ngoài ra, cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người uống trên 2 lon nước ngọt có ga mỗi ngày có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu cao gấp 5 lần so với người không uống. Điều này là do gan phải làm việc quá tải để chuyển hóa lượng đường này, tạo ra chất béo trung tính (triglyceride) và dẫn đến xơ gan, tiến triển thành ung thư gan nếu kéo dài.
2. Nước trái cây nhiều đường
Nhiều người nghĩ rằng nước ép trái cây lành mạnh, nhưng nước ép tươi lẫn nước ép đóng hộp đều chứa lượng lớn đường fructose. Khi uống vừa phải và chọn loại trái cây ít đường sẽ tốt, còn uống nhiều sẽ thành “kẻ thù” với lá gan.
Nghiên cứu của Đại học Emory (Mỹ) cho thấy, đường fructose từ nước trái cây làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu hơn 30%. Đối với nước trái cây đóng hộp, tình hình còn nghiêm trọng hơn vì chúng chứa thêm chất bảo quản và đường hóa học, khiến gan phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ các độc tố. Lâu dần gan sẽ suy giảm chức năng, tích tụ nhiều mỡ, bị xơ gan, viêm gan tấn công.
3. Trà pha quá đặc
Không thể phủ nhận rằng trà luôn nằm trong nhóm đồ uống tốt cho sức khỏe. Thậm chí, trà xanh còn có tác dụng thải độc, giảm mỡ gan. Tuy nhiên, đó là khi bạn uống trà đúng cách. Còn nếu uống trà pha quá đặc trong thời gian dài, sớm muộn gan cũng trở nên xác xơ, thậm chí lở loét vì viêm nhiễm, ung thư.
Do khi uống trà pha quá đặc, hàm lượng caffeine và polyphenol cao trong trà có thể gây tổn thương gan. Theo nghiên cứu của Đại học Y Harvard (Mỹ), việc uống 5 – 7 tách trà đặc mỗi ngày làm tăng nguy cơ tổn thương tế bào gan do tích lũy quá mức các hợp chất này.
Caffeine trong trà đặc kích thích hệ thần kinh và tăng hoạt động gan quá mức, gây viêm gan mãn tính. Bên cạnh đó, polyphenol dư thừa dẫn đến mất cân bằng oxi hóa trong gan, làm tổn thương tế bào gan và thúc đẩy xơ hóa.
4. Rượu bia
Rượu bia từ lâu đã được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan. Ethanol trong rượu bia khi chuyển hóa tại gan tạo ra acetaldehyde, một chất độc gây viêm và tổn thương tế bào gan.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2019), việc uống 3 – 4 đơn vị rượu mỗi ngày trong thời gian dài làm tăng nguy cơ xơ gan đến 37%. Rượu bia cũng làm giảm khả năng chống lại các gốc tự do trong gan, dẫn đến tổn thương tế bào và tăng nguy cơ ung thư gan.
Nguồn và ảnh: Sohu, Cancer123