Không chỉ là loại thực phẩm quen thuộc trong thực đơn hàng ngày, mướp đắng (khổ qua) còn được biết đến với nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe.
Mướp đắng có tên khoa học là Momordica charantia, thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Loại quả này phân bố chủ yếu ở một số nước Đông Nam Á và đặc biệt rất phổ biến tại Việt Nam.
Mướp đắng thường được dùng để nấu canh hoặc chế biến các món xào. Bên trong mướp đắng có một lượng dinh dưỡng dồi dào bao gồm các vi chất thiết yếu như: vitamin A, vitamin C, photpho, kali, canxi, kẽm, sắt, đồng, magie. Ngoài ra còn chứa các chất chống oxy hóa tự nhiên như hợp chất phenolic và một số vitamin nhóm B.
Dù có vị đắng nhưng loại quả này lại mang đến rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, trong đó phải kể đến hiệu quả làm hạ đường huyết và phòng ngừa biến chứng tiểu đường.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Một trong những công dụng được biết đến nhiều nhất của mướp đắng chính là kiểm soát lượng đường trong máu. Theo đó, tác dụng của loại nước uống này chính là giảm lượng đường trong máu và kiểm soát đường huyết một cách ổn định. Trong mướp đắng có chứa 1 hợp chất hoạt động tương tự như insulin gọi là Polypeptide-p hoặc p-insulin, sẽ chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng, làm giảm glucose trong máu.
Các chuyên gia đã thử nghiệm lâm sàng và cho thấy, với các bệnh nhân tiểu đường loại 2, việc dùng 2.000mg mướp đắng mỗi ngày giúp giảm đáng kể lượng đường huyết. Theo đó, mướp đắng cũng giúp tăng cường quá trình tiêu hao glucose của các tế bào một cách hiệu quả, hỗ trợ việc vận chuyển glucose tới cơ bắp, gan và chất béo một cách dễ dàng.
Điều trị sỏi thận
Theo nghiên cứu, mướp đắng có thể làm giảm nồng độ axit trong nước tiểu, giúp giảm các cơn đau do sỏi gây ra. Các chuyên gia khuyên bạn nên uống một ly trà mướp đắng mỗi ngày để trị bệnh.
Tốt cho sức khỏe của gan
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về vitamin và dinh dưỡng đã kết luận rằng, một hợp chất có tên momordica charantia trong mướp đắng có thể cung cấp khả năng chống lại suy gan bằng cách tăng cường hoạt động chống oxy hóa của các enzym trong gan. Do đó, việc sử dụng mướp đắng sẽ làm sạch ruột, làm trẻ hóa các tế bào gan, góp phần cải thiện chức năng gan và giữ cho gan khỏe mạnh.
Tăng cường hệ miễn dịch
Việc ăn mướp đắng hoặc uống nước ép từ loại quả này còn giúp tăng cường hệ miễn dịch để phòng ngừa bệnh tật và nhiễm khuẩn. Uống nước ép mứơp đắng còn phòng ngừa cảm lạnh, hạn chế khả năng bị dị ứng thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ mắc chứng khó tiêu hay chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Chưa hết, các chất chống oxy hóa có trong mướp đắng hoạt động như một cơ chế bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh tật và cũng giúp chống lại tác hại của các gốc tự do có thể gây ra nhiều loại ung thư khác nhau.
Làm đẹp da
Mướp đắng có chứa các chất chống oxy hóa mạnh cùng với hàm lượng vitamin A và C lớn. Những chất này giúp ngăn ngừa lão hóa da sớm và giảm nếp nhăn. Hơn nữa, mướp đắng còn làm giảm mụn trứng cá, hỗ trợ điều trị bệnh chàm, vẩy nến, cũng như bảo vệ da khỏi các tia UV có hại ngoài môi trường.
Tăng cường thị lực
Lutein và zeaxanthin là hai dưỡng chất có đặc tính chống oxy hoá mạnh, bảo vệ mắt khỏi tia cực tím từ ánh sáng mặt trời và tránh khỏi sự thoái hoá điểm vàng. Chưa hết, mướp đắng còn chứa vitamin E và vitamin C cũng có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa bệnh AMD, giúp mắt nhìn rõ hơn.
Giảm cân hiệu quả
Chưa dừng lại ở đó, trong 100g mướp đắng chỉ có 16 calo nhưng chứa đến 94,4g nước. Vì ít calo và chứa nhiều nước nên đây là loại thực phẩm vàng mà bạn nên bổ sung vào chế độ giảm cân của bản thân. Ăn mướp đắng hoặc uống nước ép mướp đắng sẽ khiến bạn nhanh no nhưng lại không hề chứa nhiều calo gây tăng cân.
Giảm Cholesterol xấu trong máu
Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh mướp đắng có khả năng làm giảm hàm lượng Cholesterol xấu trong cơ thể. Do đó, đây là loại quả rất tốt cho tim mạch, nên cân nhắc bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
Giúp xương chắc khỏe
Lượng vitamin K trong mướp đắng có thể đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu vitamin K hằng ngày cho cơ thể. Chất này giúp tăng cường hấp thu canxi từ thức ăn, giúp xương chắc khoẻ, cải thiện tình trạng loãng xương.
Tổng hợp