Loại lá này được nhiều người sử dụng để giúp hạ đường huyết và giảm lipid máu.
Việt Nam có rất nhiều loại lá được dân gian sử dụng để hỗ trợ bồi bổ sức khỏe và ngăn ngừa các loại bệnh nguy hiểm. Bên cạnh lá sa kê, diệp hạ châu hay cỏ ngọt, còn có 1 loại lá thân leo tên là dây thìa canh, thường xuất hiện nhiều ở khu vực miền Bắc nước ta.
So với nhiều loại cây khác, dây thìa canh có thể sử dụng toàn thân để điều trị các loại bệnh khác nhau. Ngoài ra, loại cây này ‘‘không có mùa’’, tức là có thể thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Trong dây thìa canh, người ta phát hiện nhiều thành phần hóa học có chứa hoạt tính sinh học cao như: acid gymnemic thuộc nhóm saponin triterpenoid, flavonoid, anthraquinone, tanin, α và β-chlorophyll, phytin, nhựa resin, d-quercitol, axit tartaric, axit formic, axit butyric, lupeol, glycoside.
Vậy với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, dây thìa canh mang lại những công dụng gì cho sức khỏe của con người?
Giúp hạ đường huyết
Dây thìa canh là một trong những loại lá nổi tiếng với công dụng hạ đường huyết, tốt cho người bệnh tiểu đường. Khi bổ sung vào cơ thể, dây thìa canh sẽ ngăn chặn quá trình cơ thể nhận đường từ ruột tiết ra, cùng với đó là kích thích sản sinh insulin, hạn chế tăng cholesterol, giúp cơ thể tái thiết lập được khả năng cân bằng đường huyết tự nhiên.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong dây thìa canh còn chứa peptide gumarin, chất khiến lưỡi bị mất đi cảm giác với vị đắng và vị ngọt. Phản ứng này sẽ khiến người dùng không cảm nhận được 2 mùi vị, có lợi cho người tiểu đường. Bởi việc giảm sử dụng thực phẩm có vị ngọt sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho sức khỏe của các bệnh nhân.
Với 2 công dụng này, dây thìa canh được coi là ‘‘bài thuốc’’ hiệu quả trong việc chữa trị cho các người bệnh tiểu đường.
Giảm lipid máu
Sau công dụng hạ đường huyết, dây thìa canh còn được biết đến với khả năng giảm lipid máu hiệu quả. Các chuyên gia đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2017 và chỉ ra rằng, dịch được tiết ra từ dây thìa canh có tương tác qua lại với lipid, cụ thể là ngăn chặn sự hấp thu lipid, từ đó làm giảm mỡ máu, ngừa nguy cơ xơ vữa động mạnh và các bệnh về tim mạch.
Hỗ trợ làm giảm cholesterol
Năm 2004, một nghiên cứu được thực hiện trên 60 người béo phì đã cho ra kết quả bất ngờ, đó là chiết suất của dây thìa canh có thể làm giảm khoảng 20% cholesterol LDL và tăng cholesterol HDL lên 22%. Điều này chỉ ra những tác động hiệu quả của dây thìa canh đối với mức độ LDL và chất béo trung tính, giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim.
Giảm cân hiệu quả
Như đã đề cập trước đó, peptide gumarin trong dây thìa canh có thể khiến lưỡi bị mất đi vị giác. Vì vậy, loại cây này sẽ hỗ trợ làm giảm cảm giác thèm ngọt, khiến người dùng tiêu thụ ít thực phẩm có vị ngọt, từ đó giảm thiểu được một lượng calo đáng kể nạp vào cơ thể.
Hiệu quả này của dây thìa canh đã được chứng minh qua một nghiên cứu trên 60 người béo phì. Theo đó, sau 1 thời gian sử dụng loại cây này, những người tham gia đã giả từ 5-6% trọng lượng cơ thể.
Giảm viêm
Công dụng tiếp theo của dây thìa canh đối với sức khỏe của con người chính là giảm viêm. Tình trạng viêm mãn tính ở mức độ thấp có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như: Viêm khớp, tiểu đường, tim mạch, đau nhức,… Khi sử dụng dây thìa canh, hàm lượng tannin và saponin có trong loại cây này sẽ kích thích miễn dịch, từ đó hỗ trợ giảm viêm, ngoài ra còn giảm sự hấp thụ đường trong ruột.
Cách chế biến dây thìa canh
Dây thìa canh là loại cây có thể sử dụng toàn bộ gốc, rễ, thân, lá, cành để chế biến. Một trong những cách chế biến phổ biến và hiệu quả nhất chính là sắc thuốc uống. Đầu tiên, bạn cần cắt nhỏ cây, sau đó mang phơi khô rồi sắc thuốc uống. Khi chế biến, bạn nên dùng nước sôi thay vì nước lạnh. Ngoài ra, nếu muốn chế biến dây thìa canh theo dạng bột, bạn nên tiến hành nghiền lá cây thành bột mịn, rồi pha với nước uống.
Hương vị của dây thìa canh có vị thanh nhẹ, khá dễ uống không như những vị thuốc đắng khác. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý liều lượng để tránh tác dụng phụ đối với sức khỏe.